Nhân viên y tế Indonesia hướng dẫn các tình nguyện viên xử lý thi thể bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Trung Java ngày 6-7 - Ảnh: REUTERS
"Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm của đại dịch. Chúng ta vừa mới vượt qua cột mốc bi thảm với 4 triệu ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận" - Hãng tin AFP dẫn lời ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ngày 7-7 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Theo ông Tedros, trong khi nhiều nước đang nới lỏng các quy định chống dịch, dịch bệnh lại bùng lên nghiêm trọng ở nhiều nước. Điều này là do các biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh và sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin khi mà một số ít nước thu mua phần lớn vắc xin.
"Điều này dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng oxy y tế, các phương pháp điều trị và dẫn đến làn sóng tử vong ở các khu vực châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin… Ở giai đoạn này của đại dịch, việc hàng triệu nhân viên chăm sóc y tế vẫn chưa được tiêm chủng là điều đáng kinh tởm" - lãnh đạo WHO nói.
Trong khi đó, ông Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cũng cảnh báo các nước về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 trong khi tỉ lệ tiêm ngừa thấp. Theo ông Ryan, virus có thể lây lan mạnh dù tỉ lệ tiêm ngừa cao.
WHO kêu gọi các nước không lơi lỏng, cân nhắc tiêm ngừa cho thiếu niên 12-15 tuổi, hỗ trợ vắc xin cho các nước thu nhập thấp, và cảnh báo việc mở cửa khi tỉ lệ tiêm ngừa thấp.
Thế giới vượt mốc 4 triệu người chết trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành tại khu vực châu Á. Indonesia, một nước bị ảnh hưởng nặng nề, đã phải kéo dài các biện pháp hạn chế và đối mặt với tình trạng thiếu hụt giường bệnh.
Tại Úc, các quan chức cảnh báo biến thể Delta có thể là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" sau khi nước này đã phải phong tỏa hàng triệu dân tại thành phố lớn nhất nước là Sydney.
TTO - Singapore nói nghiên cứu của nước này cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 có khả năng bảo vệ những người đã được tiêm ngừa đầy đủ đến 69% trước biến thể Delta, trong khi tỉ lệ này ở nhiều nghiên cứu khác là từ 64% đến 87%.