Người dân Singapore đến xét nghiệm sau khi bùng phát dịch tại một khu vực ngày 16-6 - Ảnh: REUTERS
Con số 69% được Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung dẫn từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID) và Bộ Y tế của nước này. Nghiên cứu thực hiện trên 1.000 người có tiếp xúc với các ca mắc COVID-19 trong gia đình từ tháng 9-2020 đến hết tháng 5-2021.
"69% khá tương đồng với các quan sát quốc tế khác. Gần đây, số liệu báo cáo từ Israel cho thấy vắc xin Pfizer có hiệu quả chống lây nhiễm là 64%" - báo Straits Times dẫn lời ông Ong nói, đề cập đến nghiên cứu mới nhất từ Israel hồi đầu tuần này.
Cũng theo nghiên cứu của Singapore, vắc xin có khả năng làm giảm đến 90% khả năng mắc bệnh có triệu chứng và đến 93% mắc bệnh nặng phải thở oxy, cấp cứu hoặc bị tử vong.
"Trong số các ca ghi nhận từ ngày 11-4, chỉ có 1% những người đã tiêm vắc xin phải thở oxy và không ai phải đưa vào cấp cứu, so với 10% những trường hợp chưa tiêm vắc xin trở bệnh nặng" - bộ trưởng Y tế Singapore nói.
Nghiên cứu trước đó của Israel ngày 5-7 cho thấy hiệu quả nói chung của vắc xin Pfizer đối với mọi biến thể đã giảm còn 64% so với con số 95% vào tháng 5-2021, trước khi biến thể Delta "thống trị" ở nước này.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Anh hồi tháng 5-2021 cũng báo cáo rằng 2 liều vắc xin ngừa COVID-19 của vắc xin Pfizer trước biến thể Delta là 88%, còn nghiên cứu của Scotland cho biết tỉ lệ này vào khoảng 79%. Tương tự, nghiên cứu tại Canada đánh giá hiệu quả của vắc xin với biến thể Delta là 87%.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng không nên chỉ dựa vào số liệu của nghiên cứu, mà phải cân nhắc các yếu tố khác. Theo đó, khi triển khai vắc xin ngoài đời thực, hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào đặc tính của các nhóm được tiêm như tuổi tác, nguy cơ bị lây bệnh, sự bùng phát của virus tại từng khu vực…
TTO - Biến thể Delta đã càn quét toàn châu Á trong tuần qua, đẩy số ca bệnh tăng kỷ lục ở nhiều nước. Tại Đông Nam Á, nhiều nước đang ngụp lặn trong làn sóng khủng hoảng y tế do biến thể này gây ra.