Bộ trưởng Bộ Công thương giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa tại cuộc họp chiều 7-7 - Ảnh: M.KH.
Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng ban cùng 8 lãnh đạo là cục trưởng, vụ trưởng các đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Ban chỉ đạo khẩn trương, thường xuyên liên hệ, trao đổi với UBND, Sở Công thương và các đơn vị chức năng của TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch để kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ để sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng cho người dân tại các địa phương trong mọi tình huống.
Ban chỉ đạo cũng được yêu cầu tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến. Tổ chức các hình thức cung ứng hàng hóa qua hệ thống các tình nguyện viên, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương.
Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là giao thông, công an để đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh có dịch khác, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.
Với các địa phương có điều kiện phòng chống dịch bệnh, xem xét, mở chợ truyền thống nhưng phải tổ chức phát phiếu mua hàng theo quy định.
Tổng cục Quản lý thị trường và các cục địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng khác để đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng.
Đồng thời, Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung điều tiết điện không để thiếu điện sinh hoạt, điện cho các cơ sở y tế, các khu cách ly tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch trong bất kỳ tình huống nào.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết trong sáng và trưa 7-7, tại TP.HCM đã có hiện tượng cục bộ là người dân đổ xô đi mua hàng.
Ngay khi nắm bắt được thông tin, vụ đã trao đổi với Sở Công thương TP.HCM và đề nghị sở có thông tin khuyến cáo với người dân về việc hàng hóa dồi dào, không thiếu và không cần phải tích trữ.
Ông Đông khẳng định công tác dự trữ hàng hóa ở TP.HCM hoàn toàn đảm bảo để cung cấp cho người dân. Các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm bán hàng lưu động bình ổn cần tăng thời gian phục vụ và đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng online, nên không có hiện tượng tăng giá, sức mua đến nay cũng đã ổn định trở lại.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay từ 0h ngày 7-7 thành phố đã tạm dừng hoạt động 3 chợ đầu mối và tất cả các chợ truyền thống, chợ tự phát. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chưa phát hiện cơ sở, cửa hàng kinh doanh nào găm hàng, tăng giá.
Tăng cường điểm bán lưu động, kênh online
Mặc dù đã có phương án và kịch bản ứng phó, song Thứ trưởng Hải cho hay tại TP.HCM các chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố. Do đó, việc đóng cửa chợ sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.
Do vậy, TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía Nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.
Ông Hải cho biết trong ngày mai (8-7), Ban Chỉ đạo sẽ có văn bản gửi tới TP.HCM và các địa phương nằm trong vùng dịch để có kế hoạch triển khai chi tiết hơn.
TTO - Siêu thị tăng nguồn cung ứng hàng hóa dự trữ từ 30 lên 60 ngày, sẵn sàng kéo dài thời gian hoạt động đến nửa đêm để tạo điều kiện cho người dân TP mua sắm tuân thủ giãn cách.
Xem thêm: mth.3132520270701202-man-aihp-hnit-cac-av-mch-pt-ohc-aoh-gnah-gnu-gnuc-oad-ihc-nab-pal/nv.ertiout