Giá nguyên liệu tăng liên tiếp, trong khi giá lợn hơi lao dốc xuống mức thấp nhất 2 năm, người chăn nuôi đang điêu đứng nguy cơ thua lỗ.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp tăng mạnh
Từ đầu quý II đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã liên tục tăng trong mấy tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng thêm 2 đợt mới với tổng mức tăng khoảng 5%.
Theo Cục Chăn nuôi, bình quân trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc, như ngô hạt tăng 35,1%; khô dầu đậu tương tăng 35,5%; DDGS (bã ngô) tăng 46,0%; cám mì tăng 32,8%; sắn lát tăng 19,2%; cám gạo chiết ly tăng 16,1%... Giá nguyên liệu tăng đẩy giá thức ăn thành phẩm tăng từ 12-14% tùy loại.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, phần lớn các doanh nghiệp phải nhập khẩu tới trên 90% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi thành phẩm, nên giá nguyên liệu trên thế giới tăng đã tác động trực tiếp tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước.
Theo ông Trần Văn Công – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tam Thanh (xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), trong 6 tháng qua, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh giá bán tăng từ năm đến bảy lần, mỗi lần tăng từ 200-400 đồng/kg, tương đương mỗi bao thức ăn chăn nuôi hai lăm kilogam tăng từ 40.000-60.000 đồng, tùy loại. Với mức giá thức ăn chăn nuôi như hiện nay, người nông dân chỉ ở mức hòa vốn, thậm chí những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn có nguy cơ thua lỗ.
Cùng với giá thức ăn chăn nuôi, giá các loại vật tư nông nghiệp như vaccine, kháng sinh cho gia súc, gia cầm, chế phẩm sinh học... đều tăng giá gây khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Nguy cơ thua lỗ
Giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao từ 12-14% đã "ăn sâu" vào phần lãi của người chăn nuôi, trong khi đó giá lợn hơi liên tục lao dốc khiến các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang điêu đứng. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đang bị giảm lợi nhuận.
"Giá lợn hơi trong nước giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi đó giá thịt lợn tại Trung Quốc đang "lao dốc", thị trường tiêu thụ bế tắc, người chăn nuôi chắc chắn không trụ nổi" - ông Nguyễn Hạnh (chủ trang trại chăn nuôi lợn 2.000 con tại Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội), chia sẻ.
Ông Trần Văn Công cũng cho biết thêm, giống gà Lạc Thủy trang trại ông đang nuôi hiện bán với giá từ 60.000–65.000 đồng/kg. “Trừ chi phí nhân công, điện nước, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng… là hòa vốn, nếu không kéo tính toán là bị lỗ”- ông Trần Văn Công nói.
Còn theo ông Nguyễn Thế Anh, chủ trang trại lợn tại Chương Mỹ (Hà Nội), giá lợn hơi hiện nay giảm mạnh xuống mức từ 54,000-67.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành chăn nuôi khoảng 60.000 đồng/kg.
"Chỉ những trang trại hàng chục nghìn con lợn mới cho thu lãi. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vài chục con, giá thành cũng gần 65.000 đồng/kg. Nuôi lợn quy mô nhỏ sẽ thua lỗ nếu không có con nái cho giống" - ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.
Không chỉ người chăn nuôi gặp khó khăn, mà các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đang gặp nhiều khó khăn khi số lượng hàng hóa bán ra giảm mạnh. Bà Dương Kiều Anh, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại 15 Trịnh Hoài Đức (Vinh, Nghệ An), chia sẻ: Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm số lượng nuôi nhiều, thậm chí bỏ trống chuồng nuôi nên lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi tiêu thụ chỉ bằng 50% so với thời điểm cuối năm 2020.
Điều đó khiến việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi của cũng gặp sự đình trệ, khó khăn. Thực tế là nhiều cửa hàng thức ăn chăn nuôi hiện đang bán hàng rất cầm chừng, thậm chí không dám ôm hàng, chỉ khi khách đến mua mới gọi hàng từ đại lý chở đến tận nơi giao cho khách.
Xem thêm: odl.911829-tam-oem-nad-gnon-cod-oal-ioh-nol-aig-gnat-na-cuht-ueil-neyugn-aig/et-hnik/nv.gnodoal