Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên ngoài việc phải đảm bảo nguyên tắc 5K, các doanh nghiệp (DN) vận chuyển hàng hóa, thực phẩm bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với tài xế khi ra vào TP.HCM và các địa phương. Theo đó, cứ ba ngày hoặc một tuần, các tài xế lại phải đi tìm nơi xét nghiệm thì mới có thể tiếp tục công việc.
Để loại “giấy thông hành” này không là lực cản và kết hợp với các biện pháp khác để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, nhiều đề xuất được đưa ra.
Tài xế xe tải xét nghiệm COVID-19 tại Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức (TP.HCM) sáng 7-7. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tiêm vaccine
Anh Hữu Tài, chủ DN chuyên chở hàng đông lạnh giữa các tỉnh và TP.HCM, cho biết hợp đồng vận chuyển không có điều khoản liên quan đến chi phí xét nghiệm nên DN hoặc tài xế phải bỏ tiền túi ra làm. “Cái khó là giá xét nghiệm mỗi nơi mỗi kiểu, quy định hiệu lực của giấy xét nghiệm cũng do từng địa phương quyết định nên các tài xế phải tự cập nhật để làm theo” - anh Tài nói.
Theo anh Tài, tài xế muốn có kết quả sớm thì phải đi xét nghiệm từ 6 giờ sáng, còn nếu đi muộn thì có khi phải chờ cả ngày vì quá đông. Một số tài xế thà chấp nhận nghỉ việc thay vì đi xét nghiệm ba ngày/lần. “Có tài xế đi xét nghiệm gặp tài xế khác ngồi cách 3-4 dãy ghế có kết quả dương tính nên khi về nhà rất lo sợ, công ty phải trấn an mãi” - anh Tài dẫn chứng.
Một tài xế thuộc Hợp tác xã vận tải Sen Việt, chuyên chở hàng đi tỉnh Đồng Nai cho biết mỗi lần xét nghiệm mất 250.000-350.000 đồng, tính ra một tháng mất hơn 1 triệu đồng. “Vì phòng chống dịch bệnh cũng đành chấp nhận, chúng tôi có việc là mừng rồi vì lượng xe tải xếp hàng ở bãi đang nhiều hơn số xe được vận chuyển” - tài xế này chia sẻ.
Anh Tài phổ biến kinh nghiệm đang áp dụng tại DN mình: “Khi tài xế từ TP.HCM vận chuyển hàng đến DN tại tỉnh Sóc Trăng, tài xế chỉ cần ngồi yên trên xe và không giao tiếp với người tại công ty nhận hàng. Sau đó, nhân viên của công ty sẽ tự san hàng hóa và kiểm hàng, giấy tờ cũng được tài xế để sẵn tại khu vực quy định trước”.
Nếu hai bên đã là đối tác vận chuyển lâu năm thì không lo việc có gian dối trong giao nhận, áp dụng cách này khỏe cho cả nơi nhận hàng và người vận chuyển. Theo anh Tài, các DN khác nên áp dụng cách này để bảo vệ các tài xế trong mùa dịch.
Một biện pháp khác, theo Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Sen Việt Nguyễn Ngọc Trang, là tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả tài xế chở hàng. Hiện nay, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP và các hợp tác xã đang đề xuất Sở GTVT TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế trên địa bàn TP. Sau khi tiêm, sở sẽ phối hợp với Sở Y tế để có giấy xác nhận đã tiêm chủng nhằm giúp các tài xế di chuyển thuận tiện trên đường.
Chia nhỏ, phân luồng ở các chốt kiểm dịch
Theo ông Lê Điệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Thanh (TP.HCM), các tài xế của DN đã được tiêm mũi 1 vaccine nhưng tại các chốt kiểm dịch vẫn bị tình trạng kẹt xe kéo dài, người nào đủ điều kiện thì cho qua, còn không đủ điều kiện thì phải kiểm tra hoặc cho xe quay đầu.
Do đó, cơ quan nhà nước nên tăng cường các chốt kiểm dịch, chia thành nhiều điểm để kiểm soát vì lượng xe tải di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Phước, Đồng Nai rất nhiều. Ngoài ra, cần thêm nhân lực ở các chốt để điều phối phân luồng theo hướng tài xế có giấy xét nghiệm, có chứng nhận tiêm vaccine sẽ kiểm tra một trạm riêng, còn những tài xế chưa có các giấy tờ này sẽ được hướng dẫn qua trạm kế tiếp.
Cũng theo ông Điệp, các điểm test nhanh COVID-19 có thể mở rộng hơn, chia thành nhiều điểm để có thể chia nhỏ lượng tài xế đến test, thay vì tập trung đông người tại một vài địa điểm. “Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp thì việc kiểm soát chặt là tốt nhưng cần có nhiều giải pháp để gỡ khó cho các DN vận tải hàng hóa” - ông Điệp nhấn mạnh.
Một chuyên gia giao thông tại TP.HCM cho rằng chống dịch như chống giặc nên những chuyện gặp khó là không thể tránh khỏi. Một mặt cần ủng hộ các DN cố gắng vươn mình trong giai đoạn chống dịch, mặt khác các DN cũng nên chủ động hợp tác, cái gì có thể làm được thì thực hiện. “Tôi nghĩ nên cho các DN này thực hiện chích ngừa vaccine dịch vụ, test dịch vụ ngay tại công ty. Cần bố trí một đội ngũ y tế riêng đến DN để thực hiện các công việc trên thì sẽ giúp họ chủ động hơn” - vị này nói.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ĐH Fulbright, nói: “Quy định về xét nghiệm với tài xế vẫn là phương án khả dĩ trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, là bằng chứng để chứng minh tài xế không bị bệnh và tránh sự lây lan”.
Theo TS Du, việc vừa giảm sự lây lan của COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động vận tải hàng hóa là thách thức cho các DN. Biện pháp tối ưu khác là tiêm ngừa vaccine cho tài xế, tuy nhiên hiện nay số lượng vaccine để phục vụ cho người dân cũng là một vấn đề đang được cơ quan nhà nước nỗ lực làm.•
Hiệp hội vận tải kiến nghị thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19 Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, quy định về thời hạn có giá trị của giấy xét nghiệm COVID-19 hiện nay ở mỗi tỉnh, TP khác nhau. Nơi cho phép giấy xét nghiệm có thời hạn bảy ngày, nơi thì năm ngày, có nơi chỉ cho ba ngày. Thậm chí một số công ty còn có yêu cầu riêng, quy định tài xế chở hàng phải có giấy xét nghiệm giá trị trong vòng ba ngày và phải tiêm đủ hai mũi vaccine, gây khó khăn cho các DN vận tải. Trước thực tế này, ngày 6-7, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, đã gửi kiến nghị đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam những giải pháp nhằm tăng cường quản lý phòng dịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Cụ thể, hiệp hội kiến nghị việc xét nghiệm (đối với người chưa xét nghiệm) tại các chốt kiểm soát người vào địa phương; chỉ xét nghiệm người đến địa phương, không áp dụng với người đi qua và ra khỏi địa phương. Đặc biệt, hiệp hội kiến nghị Tổng cục Đường bộ thống nhất thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 là bảy ngày. Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm phòng dịch của người điều khiển và chủ phương tiện vận tải như thực hiện biện pháp 5K, khai báo y tế, khử khuẩn… |