Lợi giúp bà nội chăm sóc đàn bò để làm lộ phí vào đại học - Ảnh: B.D.
Chúng tôi theo chân sĩ tử Nguyễn Tấn Lợi về căn nhà cấp 4 rộng chừng 70m2 nằm dưới chân cầu vượt đoạn qua khối phố Xuân Bắc, phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ.
Trước ngôi nhà có một tấm bảng nhựa với dòng chữ lớn: "Nhà tình bạn" - món quà của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Tam Kỳ. Căn nhà là tổ ấm che mưa nắng cho Lợi cùng người chị và một cô em út vừa lên lớp 10.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ
Lợi gầy khô, khuôn mặt hốc hác cùng chị và em gái vẻ lúng túng trong căn nhà trống trơn. Cả tháng nay, Lợi cùng chị gái là Nguyễn Thị Nguyệt (21 tuổi, vừa học hết năm 3 ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) cùng cô em gái út dành thời gian quanh quẩn bên nhau để động viên "tiếp sức" tinh thần cho Lợi thi cử.
"Giờ ba mẹ đều không còn, tụi em cứ bảo nhau rằng nếu không học thì cũng chẳng biết làm gì để đời mình tốt hơn nên ba chị em luôn động viên nhau học tốt nhất" - Nguyệt nói.
Bà Cao Thị Cựu (69 tuổi) - bà nội của Lợi - nói cha mẹ Lợi sinh được ba con, Nguyệt là con đầu rồi đến Lợi và một em nữa. Năm 2006, mẹ của Lợi đột ngột lên cơn đau và qua đời tại bệnh viện. Gánh nặng cả gia đình đè lên vai người cha đi làm thợ hồ nuôi ba đứa con và thêm bố mẹ già.
Thế nhưng bi kịch với gia đình nhỏ không dừng lại. Một buổi sẩm tối, Lợi, Nguyệt và đứa em út là Nguyễn Thị Anh Túc đang đùa giỡn trong nhà thì được người thân gấp gáp chở ra bệnh viện để nhìn mặt cha lần cuối. Người cha bị tai nạn giao thông lúc chập choạng khi đang đi lấy tiền công thợ hồ.
Động viên nhau học tập
Những ngày này Nguyễn Tấn Lợi đang miệt mài cho kỳ thi quan trọng nhất. Sau mỗi buổi thi Lợi trở về nhà và được chị gái, bà nội "chiêu đãi", bồi bổ bằng bữa cơm có tôm, thịt kèm rau canh chua để lấy sức làm bài.
Bà nội của Lợi nói rằng đó cũng là những bữa ăn hiếm hoi "đầy đủ chất" mà cháu bà được ăn trong những ngày bình thường. Lợi bảo rằng em đã đăng ký hồ sơ vào các trường đại học kinh tế, kết quả 3 năm cấp III em đều đạt loại giỏi nên việc vào đại học không còn quá xa vời.
Lợi kể năm 2011, sau khi mất cả cha lẫn mẹ thì ngôi nhà rơi vào cảnh bế tắc. Lúc đó chị Nguyệt đang học lớp 6, Lợi mới lên lớp 3, còn cô em út đang mẫu giáo. Ba đứa trẻ bỗng chốc rơi vào cảnh không cha, không mẹ.
Chỗ dựa duy nhất là ông bà nội già yếu. Xót cháu, bà Cựu đón cả ba về lo cơm nước, thay vai trò của người cha người mẹ. "Ông trời còn thương gia đình tui vì dẫu mất cha mẹ nhưng cả ba đứa đều rất ngoan" - bà Cựu nói.
Không những không bỏ học, sa sút mà ngược lại cả ba đứa trẻ này lớn lên rất nhanh và học giỏi hơn người. Kỳ thi năm 2018-2019, Nguyệt trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
Theo sát sau chị, Lợi cũng vào cấp III với thành tích học tập nổi trội. Người em út cũng luôn đạt học sinh giỏi qua các năm. Bà Cựu kể rằng do nhà mình gần nhà ba cháu nên ăn uống hằng ngày ông bà đều lo cho cháu. Nhưng việc học hành thì chủ yếu ba chị em tự bảo ban nhau.
Một con bê bà nhốt sẵn trong chuồng
Lợi bảo rằng sẽ đặt quyết tâm cao nhất vào đại học. Hành trang những ngày tới đã được tiếp sức từ chị cả, cô em gái và… một con bê của bà nội đang nhốt sẵn trong chuồng.
"Ngoại nói em đậu đại học thì sẽ bán con bê đó, được chừng 15 triệu đồng làm lộ phí" - Lợi nói. Nguyệt thì chỉ còn một năm nữa ra trường và sẽ xin việc làm để tiếp sức thêm cho hai đứa em.
Từ ngày đi học tới nay, cô sinh viên mồ côi này cũng tự lập hoàn toàn. Cả ba chị em của Lợi nói rằng để còn đi học được như ngày hôm nay thì tình cảm sẻ chia của thầy cô, bạn bè, hàng xóm là rất lớn.
Ba chị em Lợi luôn được ưu tiên các suất học bổng ở trường, ở địa phương. Thầy cô, bạn bè biết hoàn cảnh nên góp tiền, góp cơm gạo lẫn quần áo và động viên ba chị em vượt khó từng ngày.
TTO - Theo Sở Giáo dục và đào tạo Phú Yên, kết quả xét nghiệm thí sinh và cán bộ làm công tác thi ở tỉnh này cho thấy có 166 người nghi mắc COVID-19 nên phải hủy 2 điểm thi.
Xem thêm: mth.76633131270701202-uahc-ab-iah-auc-iht-yk/nv.ertiout