Giữ lửa nghề: Chuyện không của riêng ai!
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Cùng trò chuyện với ba doanh nhân thế hệ cuối 7x và đầu 8x tại miền Trung về những trăn trở của họ và cách họ đương đầu với đại dịch.
Chị Dương Thị Thúy Hằng tại cơ sở Hue Lotus Homestay của mình tại thành phố Huế. Ảnh: NVCC |
Chị Dương Thị Thúy Hằng - Chủ của Hue Lotus Homestay tại thành phố Huế:
Du lịch đã ăn sâu vào máu thịt nên không dễ dàng từ bỏ
Ban đầu, tôi cũng không ngờ là dịch bệnh lại quá nguy hiểm và kéo dài gây ảnh hưởng đến thế Giới nhiều như vậy. Giai đoạn đó, Công ty Hue Lotus chỉ mới trong giai đoạn chạy thử được 4 tháng.
Tất cả các chương trình, những ưu đãi đặc biệt được xây dựng cho khách hàng và cả những đối tác chuẩn bị đến trải nghiệm tại Hue Lotus đều phải đóng băng hoạt động vì bùng dịch. Cảm giác hoang mang và lo lắng là không thể tránh khỏi, vì quá nhiều khó khăn và nan giải cần giải quyết đối với một doanh nghiệp còn non trẻ.t
Nhưng sau hơn một năm rưỡi sống chung với dịch, bây giờ tôi đã có cái nhìn lạc quan hơn, bình tĩnh hơn với những biến động có thể xảy ra sắp đến.
Thật ra, Hue Lotus cũng rất may mắn khi trong các đợt bùng dịch phải phong tỏa, chúng tôi vẫn có các đoàn khách gia đình đến ở dài hạn với mức giá kích cầu phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí khác như nhân viên, cộng tác viên….,nên phần nào cũng trang trải được để vượt qua các giai đoạn khó khăn.
Về bản thân, tôi sống trong môi trường du lịch từ nhỏ. Bố mẹ tôi làm việc tại Lăng Tự Đức hơn 40 năm. Từ một kỹ sư hóa, tôi vẫn miệt mài học ngoại ngữ và mạnh dạn đăng ký làm hướng dẫn viên cho các công ty lữ hành. Tôi cảm thấy cực kỳ hãnh diện khi được giới thiệu những cảnh đẹp, những tầng ý nghĩa về quê hương, xứ sở của mình cho các du khách.
Tình yêu với du lịch đã ăn sâu vào máu thịt nên tôi chắc chắn sẽ không dễ dàng từ bỏ.
Bằng nhiều cách như sử dụng nhân lực một cách thông minh, tạm thời mỗi người có thể phụ trách nhiều công việc cùng lúc và có chiến lược khai thác, nắm bắt tâm lý khách hàng thật hợp lý, tôi tin chúng tôi sẽ làm được, và thực tế là chúng tôi đã trải qua được hơn một năm rưỡi với chuỗi khó khăn dịch – bão – lũ. Mỗi thử thách lại càng khiến tôi mạnh mẽ hơn.
Về kế hoạch sắp tới, trước mắt tôi sẽ tinh gọn lại các dịch vụ hiện có, tìm kiếm các nguồn khách nội địa và loại hình trải nghiệm họ yêu thích để có thể khai thác. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có hướng chuyển đổi cơ cấu mô hình, tạo ra doanh thu để có thể chèo chống doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn này.
Cuối cùng, tôi rất mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, toàn bộ công dân Việt Nam sớm dược tiêm phòng để kinh tế có thể mở cửa, có như vậy các doanh nghiệp mới có thể triển khai những bước tiến vững chắc hơn.
Anh Phạm Minh Tuấn tại cơ sở homestay Seashine của mình tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm |
Anh Phạm Minh Tuấn – Chủ cơ sở homestay Seashine tại Đà Nẵng
Chia sẻ và được chia sẻ để cùng nhau vượt qua đại dịch
Trước đây, bên cạnh công việc là nhà quản lý cấp cao cho một số khách sạn 4-5 sao tại Đà Nẵng, tôi cũng kinh doanh thêm phòng lưu trú nhờ có tài sản riêng và vay ngân hàng.
Mọi việc đang khởi đầu thuận lợi thì đến đầu năm 2020 dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam. Khách sạn mà tôi đang làm tổng quản lý khi đó là một trong những cơ sở lưu trú lớn của Đà Nẵng cũng rơi vào khó khăn.
Trong suốt năm 2020, khách sạn vẫn cầm cự được một phần nhờ có vốn dự phòng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có những hỗ trợ từ Chính phủ về tiền phụ cấp cho nhân viên cũng như chính sách thuế, điện, nước...
Và doanh nghiệp chúng tôi cũng phải tiết kiệm nhiều cách khác nhau, từ nhân sự đến vận hành, để tồn tại.
Tuy nhiên, qua đến năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp khiến cho việc kinh doanh của khách sạn ngày càng tồi tệ và rơi vào khủng hoảng. Khách sạn đóng cửa, mọi nhân viên đều nghỉ. Và tôi cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó.
Tôi bắt đầu nghỉ việc từ đầu năm 2021, tập trung vào kinh kinh doanh cá thể của mình – có 8 phòng phục vụ lưu trú dài ngày, chủ yếu dành cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, những khó khăn mới phát sinh từ đây. Trước đây, khi còn đi làm, tôi có tiền để vừa trả vay ngân hàng cho khoản đầu tư dịch vụ homestay của mình vừa trang trải cuộc sống hằng ngày cũng như chi phí vận hành kinh doanh.
Nhưng qua năm 2021, mọi thứ khó khăn hơn, thu nhập giảm, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc trả khoản vay ngân hàng. Thu nhập của vợ tôi cũng chỉ đủ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Và hai vợ chồng chúng tôi đã tự bàn bạc và động viên nhau để cùng vượt qua khó khăn.
Tôi bắt đầu từ mày mò làm nghệ mộc và trang trí nội thất để giảm bớt chi phí đầu tư thêm và bảo trì theo yêu cầu của khách thuê trọ. Bên cạnh đó, tôi cũng trực tiếp làm nhiều vai từ kinh doanh, tiếp thị, giao tiếp, lễ tân…
Thời gian gần đây, tôi cũng phải thay đổi chiến lược khi khách nước ngoài đang ở trọ gặp khó khăn về gia hạn visa (hộ chiếu). Những chuyên gia đã ở đây từ lâu, nhưng gia hạn visa không được và bắt buộc phải về nước. Tôi đang hướng đến phục vụ gia đình nhỏ có hai vợ chồng và 1 đứa con nhờ căn hộ được đầu tư như homestay với giá cả hợp lý.
Qua hơn một năm chống chọi với đại dịch, tôi thấy được rằng muốn vượt qua đại dịch, cần sự chia sẻ của nhiều bên. Đó là sự chia sẻ của nhà nước với doanh nghiệp, của doanh nghiệp với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với khách hàng. Sự chia sẻ cần phải đúng, đủ, có tính tác động nhất định chứ không chỉ là hình thức, phong trào.
Nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách giãn, giảm thuế cũng như các chi phí liên quan điện, nước. Bản thân tôi chia sẻ với người thuê thông qua đưa ra giá thuê mới có mức giảm cao. Ngược lại, tôi cũng cần chia sẻ từ ngân hàng. Năm ngoái ngân hàng giảm 0,5% lãi suất vay trong 4-5 tháng nhưng như vậy là chưa đủ.
Viễn cảnh sắp tới vẫn còn nhiều biến động, thách thức và khó khăn. Vì vậy, những sự chia sẻ sẽ càng trở nên quan trọng để giúp nhau vượt qua khủng hoảng. Bản thân tôi phải tiếp tục tìm cách đương đầu với thách thức để tiếp tục kinh doanh bằng việc tiếp tục cắt giảm chi phí, nhưng chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng không được giảm.
Tôi có 20 năm trong nghề du lịch, và không thể bỏ nó vì nằm trong máu rồi. Nếu dịch được kiểm soát, tôi sẽ quay lại nghề quản lý. Và tôi mong muốnkhối dịch vụ, du lịch được ưu tiên tiêm vaccine để có thể sớm quay trở lại.
Anh Lê Ngọc Thuận bên cạnh các tác phẩm mỹ thuật được tái chế từ các khối gỗ lụt (bỏ đi). Ảnh: NVCC |
Anh Lê Ngọc Thuận, chủ hai nhà hàng Deckhouse và Coco Casa tại thành phố Hội An
Hiện thực hóa những ý tưởng, phục vụ khách hậu Covid-19
Vào đầu năm 2020 khi truyền thông liên tục đưa tin về dịch bệnh Covid-19, tôi cũng cảm thấy hơi lo lắng về tình hình dịch bệnh lan tới Việt Nam rồi sẽ dẫn đến các việc kinh doanh của mình sẽ bị đóng cửa và nhân viên sẽ mất việc.
Là một doanh nhân trong nghề này được 10 năm, tôi đã lên kế hoạch và nhiều phương án để chuẩn bị duy trì khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam.
Khi dịch bệnh tấn công vào Việt Nam và dần dần lan ra các tỉnh thành đều có ca mắc Covid-19 trong đợt đầu tiên. Đặc biệt là Hội An và Đà Nẵng rơi vào cảnh phong tỏa. Lúc đó tôi cũng như mọi người đều phải ở nhà và lúc này tôi lại nảy ra những ý tưởng nhằm tạo ra những sản phẩm mới để sau khi hết dịch khách quay lại được trải nghiệm sản phẩm khác biệt và đậm chất văn hoá.
Sau đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà hàng Coco Casa ra đời nhằm tạo ra sân chơi mới cho khách. Đây là nơi tổ chức ăn uống, âm nhạc, kết hợp mua bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm địa phương tại Hội An. Nhiều khách quốc tế còn ở lại Việt Nam rất thích thú với mô hình này, đặc biệt là phiên chợ diễn ra cuối tuần.
Từ đây, tôi nảy sinh ý tưởng về một lễ hội ẩm thực âm nhạc cộng đồng trên bờ biển An Bàng. Diễn ra vào tháng 7 năm 2020, sự kiện được tổ chức nhằm kích cầu khách du lịch quay lại Hội An đã thu hút 3.000-4.000 khách tham gia lễ hội và từ đây đã đánh dấu một sự thành công rất lớn về lễ hội biển.
Tiếp sau thành công của sự kiện này, năm nay tôi cũng đã lên kế hoạch tổ chức lễ hội biển vào đầu tháng 5 khi học sinh cả nước nghĩ hè. Mọi thứ đã được chuẩn bị rất kỹ càng. Nhưng chỉ còn 4 ngày nữa sẽ diễn ra lễ hội thì dịch bệnh lại bùng phát. Chương trình phải hủy và gây thiệt hại về kinh tế gần 200 triệu đồng.
Tôi xem đây là một trong những kỷ niệm khi sống trong mùa dịch, vui có, buồn có, lo lắng, mất mát có. Tôi vui vẻ chấp nhận và lại bắt đầu thực hiện những ý tưởng mà tôi ấp ủ và trước đây chưa thể làm được do bận rộn phục vụ một lượng khách lớn thường xuyên đến Hội AN vào năm 2019 trở về trước.
Một trong số đó là mỹ thuật tái chế. Tôi thuê một khu đất và dựng xưởng sản xuất rộng 200m2. Tôi đi lượm các thanh củi lụt và gỗ vụn về để làm các sản phẩm tái chế. Tranh gỗ ghép, chén gỗ, con trâu, con vịt, đồ trang trí từ đó ra đời.
Đây cũng là cách tôi muốn tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng và biến rác trở thành sản phẩm có nghệ thuật và mang lại lợi ích kinh tế cho mình và xã hội.
Những sản phẩm tôi làm ra được đem ra chợ phiên cuối tuần ở Coco Casa bán và được khách đánh giá rất cao về tính nhân văn nên đây cũng là một cơ hội khi mà du lịch quay lại tôi sẽ từng bước phát triển mạnh hơn đặt biệt là hướng tới xuất khẩu về mỹ thuật tái chế từ rác.
Tôi sẽ luôn giữ lửa về ngành du lịch này. Con người chúng ta đang sống trong thời kì công nghệ và đô thị hoá nên còn người chúng ta không thể đứng yên một chỗ, nên chúng ta phải luôn mong muốn di chuyển đi lại nên ngành du lịch này sớm muộn cũng phải trở lại bình thường.
Tôi sẽ muốn góp nhiều sản phẩm mới lạ. Và tôi tin, những sản phẩm này, được ra đời sau thời gian nghiên cứu hành vi du lịch sắp tới của khách, sẽ thu hút một lượng khách du lịch rất lớn về Hội An để có những trải nghiệm mới mẻ.
Và hơn bao giờ hết, như bao doanh nghiệp khác, tôi mong ngành du lịch sẽ được tiêm vaccine sớm. Khi khách quay trở lại Hội An, tôi đã có sẵn những sản phẩm để họ trải nghiệm. Tôi sẽ vẫn duy trì không gian nhà hàng và lễ hội tại biển An Bàng. Bên cạnh đó, tôi đang ấp ủ mở thêm một khu chợ nghệ thuật, ẩm thuật, âm nhạc, thời trang , mua sắm và giải trí trên cánh đồng.
Xem thêm: lmth.ia-gneir-auc-gnohk-neyuhc-ehgn-aul-uig/331813/nv.semitnogiaseht.www