Tại cuộc họp báo vào cuối ngày 5/7 (giờ địa phương) ở Downing Street, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chính thức xác nhận, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ không còn là quy định bắt buộc trong giai đoạn cuối cùng của lộ trình mở toang cửa của nước này.
CHỜ "NGÀY TỰ DO" SAU CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN THẦN TỐC
Thủ tướng Johnson cho biết ông dự kiến bước cuối cùng của kế hoạch mở toang cửa để kích cầu du lịch và hồi sinh nền kinh tế là vào ngày 19/7 tới.
Khi đó, nước Anh sẽ mở cửa hoàn toàn và chấp nhận sống chung với dịch Covid-19. Sẽ không còn quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng như giãn cách xã hội, tức là các quy tắc giãn cách xã hội như đi cách nhau hơn 1m sẽ được dỡ bỏ ở mọi nơi. Kể cả các quy định hướng dẫn làm việc tại nhà, quy định về số người tại các nhà hát, nhà thi đấu thể thao và phòng hòa nhạc… cũng được dỡ bỏ.
Ông Johnson cho biết, quyết định mở cửa có được phần lớn là nhờ vào sự thành công của chiến dịch triển khai vắc xin (hơn 62% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm đầy đủ), “chìa khóa” giúp làm suy yếu số ca bệnh nặng và tử vong dù biến chủng Delta vẫn đang hoành hành và khiến số ca nhiễm vẫn tăng cao.
Vì vậy, chính phủ quyết định “sống chung với Covid-19” bằng cách cho phép người dân quyền tự quyết các biện pháp bảo vệ cho chính mình khi nhận thấy có nguy cơ.
“Thành thật mà nói, nếu chúng ta không thể mở cửa trở lại trong những tháng mùa hè như thế này, khi trường học đóng cửa và nguy cơ lây nhiễm thấp hơn, thì “chúng ta sẽ luôn phải tự hỏi mình là khi nào thì chúng ta mới có thể trở lại bình thường”, New York Times dẫn lời nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh.
Trong khi các ca bệnh ở Anh tăng mạnh trong những tuần gần đây, số ca nhập viện ít và số ca tử vong cũng vậy. Anh đã báo cáo 9 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 5/7, một con số quá ít so với những ngày đỉnh dịch (Anh cho đến ghi nhận gần 130.000 người đã tử vong vì Covid-19).
Tuy nhiên, ông Johnson nhấn mạnh, đại dịch vẫn chưa kết thúc và cảnh báo các ca nhiễm sẽ tăng lên 50.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng này và rằng “chúng ta phải học cách sống chung như đã từng làm với bệnh cúm”.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin tại trung tâm tiêm chủng đại trà ở sân vận động câu lạc bộ bóng đá Arsenal ở phía bắc London hồi tuần trước. Ảnh: AP
TRANH CÃI QUY ĐỊNH ĐEO KHẨU TRANG NƠI CÔNG CỘNG
Khi Anh đã sẵn sàng mở cửa trở lại sau 16 tháng hạn chế nghiêm ngặt, Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt với phản ứng dữ dội về một vấn đề đã gây khó chịu ngay từ đầu: có nên bắt buộc mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay không.
Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Anh cho biết, người dân được kêu gọi tự nguyện đeo khẩu trang tại các nơi công cộng và đây chính là điều đang làm bùng nổ những chỉ trích của các chuyên gia y tế trong bối cảnh ca bệnh mới hằng ngày vẫn còn cao. Bản thân Thủ tướng Johnson đã khích lệ người dân vẫn đeo khẩu trang dù quy định dỡ bỏ khi nói rằng, “tôi vẫn sẽ đeo khẩu trang ở những nơi đông người "như một phép lịch sự".
Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cho rằng, không phải người dân Anh nào cũng hành động như vậy một khi quy định đeo khẩu trang bị dỡ bỏ. Nhiều quan chức địa phương và các nhà khoa học cho rằng, chính phủ đang đặt nhiều người dễ bị tổn thương hơn vào tình thế nguy hiểm vào thời điểm biến chủng Delta của virus tiếp tục lây lan mạnh. Theo họ, đây là một quyết định cực kỳ cẩu thả của chính phủ trong bối cảnh Anh đã báo cáo 27.334 ca nhiễm mới trong ngày 5/7 và 178.128 ca nhiễm trong tuần, tăng 53% so với tuần trước.
David King, cựu cố vấn khoa học của chính phủ Anh cho biết: “Đeo khẩu trang không phải để bảo vệ chính mình, mà là để bảo vệ người khác, đó là lý do tại sao cần có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Các chuyên gia y tế viện dẫn những con số cho thấy, số ca nhập viện hiện đã tăng gấp đôi so với tuần trước ở Anh. Giám đốc y tế của Anh, giáo sư Chris Whitty, xác nhận điều này tại cuộc họp báo dù nói rằng, số ca nhập viện và tử vong vẫn luôn thấp hơn số ca bệnh.
Ông Aitchison, giảng viên khoa học máy tính tại Đại học Bristol cũng phản đối việc bỏ quy định đeo khẩu trang của chính phủ. “Tôi nghĩ rằng không ai có thể dứt khoát nói rằng liên kết lây nhiễm đã bị phá vỡ và trong bối cảnh đó thì không nên dỡ bỏ các hạn chế “không thể đảo ngược” như Thủ tướng Johnson đã cam kết”.
Người dân Anh đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ảnh: Reuters
PHÉP THỬ NGUY HIỂM CỦA THỦ TƯỚNG JOHNSON
Rõ ràng, trong tuyên bố về kế hoạch mở cửa hoàn toàn, Thủ tướng Johnson tuyên bố chìa khóa mở cửa chính là sự thành công của chiến dịch triển khai vắc xin thần tốc.
Trên thực tế, có nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao như Anh nhưng không có quốc gia nào trên thế giới cố dỡ bỏ các hạn chế như thế này - trước tình trạng biến chủng Delta lây lan nhanh chóng.
Vì vậy có thể thấy Thủ tướng Johnson thật sự đang chơi một ván bài khá nguy hiểm. Mỹ, Israel và các nước châu Âu khác đang xem Anh như một phép thử cho cuộc sống chung với Covid-19 khi tỷ lệ tiêm vắc xin cao.
Báo New York Times dẫn lời người đứng đầu chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh Devi Sridhar cho biết, cả thế giới đang dõi mắt xem Anh sẽ “thành hay bại” trong những tuần tới sau ngày 19/7. “Những tuần sau đó (sau ngày 19/7) sẽ là xác định xem liệu Anh “sống chung với Covid-19” như thế nào và Thủ tướng Johnson có chiến thắng trong ván bài này hay không.
Phép thử lớn ngay trước mắt với nước Anh là Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 (Euro 2020) khi hàng chục ngàn người hâm mộ bóng đá sẽ tụ tập tại sân vận động Wembley ở London để xem trận chung kết vào ngày 12/7 tới.
Anh lâu nay vẫn giới hạn ở mức 22.000 người đến sân vận động có sức chứa 90.000 người này. Nhưng theo kế hoạch hiện tại, Wembley dự kiến cho phép 60.000 khán giả vào sân để cổ vũ trong trận chung kết.
Đã có nhiều lo ngại về nguy cơ bùng dịch ở đây. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đám đông người hâm mộ bóng đá - dù tập trung ở sân vận động, quán rượu, quán bar hay khu vực dành cho người hâm mộ - tạo cơ hội cho biến chủng Delta bùng phát trên khắp châu Âu.
Tuy nhiên, các quan chức Anh khẳng định sẽ duy trì các quy định an toàn nghiêm ngặt tại Wembley, yêu cầu có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính hoặc tiêm chủng đầy đủ, trong đó có yêu cầu phải tiêm liều thứ hai ít nhất 14 ngày trước trận đấu./.
(Theo NYT)