Chiều 8-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đã ký văn bản chỉ đạo xử lý tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Theo chủ tịch tỉnh Bình Thuận, xét báo cáo đề xuất của Sở Nội vụ về việc xử lý tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trường Chính trị tỉnh.... , Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế có văn bản yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh xử lý trách nhiệm đối với bác sỹ QTB theo quy định.
Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong xem xét xử lý đối với các hành vi vi phạm của bác sỹ QTB về việc có dấu hiệu khai báo y tế không đúng sự thật khi đi về từ tỉnh Đồng Nai nhằm đảm bảo tính kịp thời, nghiêm minh.
Trường hợp đến mức phải xem xét xử lý trách nhiệm hình sự thì chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét theo quy định.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Y tế tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để đề xuất hình thức xử lý phù hợp đối với trách nhiệm người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các khoa, phòng, cá nhân liên quan vì có dấu hiệu chủ quan, thiếu chặt chẽ, triển khai chưa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã để xảy ra bùng phát dịch bệnh tại đơn vị.
"Giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm điểm xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tập thể, cá nhân có liên quan của Trường Chính trị tỉnh khi tổ chức khai giảng tập trung đông người" - chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ.
Ông Lê Tuấn Phong cũng giao Chủ tịch UBND TP Phan Thiết xem xét xử lý đối với các hành vi vi phạm của Trường Chính trị tỉnh theo quy định khi tổ chức khai giảng tập trung đông người.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chấn chỉnh rút kinh nghiệm chung trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các địa phương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với Tổ giám sát COVID-19 cộng đồng trong việc quản lý người đến/về từ vùng dịch. Xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, ngày 24-5, bác sĩ B. (38 tuổi) nộp đơn xin việc. Bệnh viện đã xem hồ sơ, phỏng vấn và xác định BS B. là BS chuyên khoa cấp I có nhiều chứng chỉ sản khoa, phẫu thuật nội soi.
Sau khi công tác tại một bệnh viện ở Đồng Nai, BS này xin thôi việc và ra làm tại một phòng khám đa khoa ở Trảng Bom, Đồng Nai. Ngày 10-5, BS xin nghỉ việc ở phòng khám về nhà cùng chồng con tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Sau khi xin ý kiến Sở Y tế, ngày 10-6, Bệnh viện đã ký hợp đồng lao động có thời hạn ba tháng với BS B., đồng thời phân công BS B. đến nhận công tác tại khoa Sản.
Sáng 14-6, Bệnh viện có yêu cầu BS B. khai báo y tế, đo thân nhiệt tại cổng. BS B. khai không đi đâu trong 14 ngày qua, sau đó vào khoa Sản nhận công tác. Tuy nhiên, thực tế ngày 13-6 bác sĩ này đón xe khách từ Đồng Nai về Tuy Phong (xe Trung Đức tuyến TP.HCM- Hải Phòng) và sáng 14-6 thì đến Bệnh viện tỉnh nhận công tác mới. Đến ngày 18-6 thì xuất hiện ho, tức ngực...
Bệnh viện và Sở Y tế đã cho xét nghiệm nhanh và PCR trong đêm 23-6 có kết quả nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 24-6, Bộ Y tế công bố bác sĩ B. là bệnh nhân 14252.
Còn đối với Trường Chính trị Bình Thuận, trường này đã tổ chức Khai giảng Lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên - Khóa 40 vào sáng 23-6 trong lúc dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh, TP đang diễn biến phức tạp, làm phát sinh nhiều trường hợp F1.