Báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ) công bố ngày 8-7 nêu chi tiết cũng như phân tích các động thái gần đây của Trung Quốc liên quan việc phát triển dầu khí của Malaysia trên Biển Đông.
Chiến thuật trên không
Theo AMTI, kể từ đầu tháng 6, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã tăng cường quan sát các động thái phát triển dầu khí của Malaysia ở ngoài khơi Sarawak. Đáng chú ý, hoạt động này diễn ra trùng với việc một máy bay quân sự Trung Quốc tiến đến gần Malaysia, buộc nước này phải cử máy bay chiến đấu ngăn chặn.
Tiêm kích Malaysia bám đuổi và quan sát máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc. Ảnh: KHÔNG QUÂN MALAYSIA
Theo báo cáo, căng thẳng xoay quanh việc phát triển mỏ khí Kasawari ở lô SK316 của Malaysia. Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011, mỏ khí Kasawari đã được phát triển trong nhiều năm. Khối này nằm cách mỏ khí đốt NC3 (đưa vào hoạt động năm 2016) khoảng 4,3 hải lý về phía bắc. Giống như NC3, mỏ Kasawari sẽ cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Bintulu, Sarawak.
Từ ngày 19-5 đến ngày 24-5, công ty Petronas của chính phủ Malaysia đã sử dụng sáu tàu kéo để vận chuyển vật liệu đến cảng Miri ở Sarawak để chuẩn bị cho việc lắp đặt giàn khoan đầu giếng tại Kasawari. Trung Quốc phản đối động thái này.
Ngày 1-6, ngay trước khi công việc xây dựng tại Kasawari bắt đầu, 16 máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay đến khu vực cách bờ biển bang Sarawak thuộc đảo Borneo chỉ 60 hải lý và "bay theo đội hình chiến thuật". Khi đó, không quân Malaysia cho biết các máy bay Trung Quốc đã không liên lạc với kiểm soát viên không lưu khu vực dù đã được hướng dẫn nhiều lần.
Sau vụ việc, Ngoại trưởng Malaysia - ông Hishamuddin Hussein khẳng định rằng máy bay Trung Quốc đã vi phạm "không phận và chủ quyền của Malaysia". Sau đó, ông triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia và tuyên bố sẽ đệ đơn phản đối ngoại giao.
Chiến thuật quấy rối bằng tàu
Trung Quốc còn thường xuyên đưa các tàu cảnh sát biển (CCG) hoạt động quanh Bãi cạn Luconia gần đó, duy trì hiện diện ở đó hàng tháng, và thường đi ngang qua các khu vực thăm dò năng lượng ngoài khơi của Malaysia.
Dữ liệu theo dõi tàu từ nhà cung cấp thương mại Marine Traffic cho thấy tàu CCG 5403 đã đến hoạt động trong khu vực vào ngày 4-6.
Thời điểm đó, xà lan Sapura 2000 do công ty Sapura Energy (Malaysia) sở hữu và điều hành đã đến Kasawari cùng với một số tàu tiếp liệu ngoài khơi. Sapura Energy được ký hợp đồng lắp đặt áo chống nhiệt và mặt trên của giàn khoan đầu giếng tại Kasawari.
Dữ liệu hệ thống thông tin tự động (AIS) từ CCG 5403 cho thấy con tàu tiến lại gần xà lan Sapura 2000 gần như ngay lập tức sau khi chiếc xà lan này đến Kasawari. Động thái nói trên diễn ra bất chấp sự hiện diện của tàu Bunga Mas Lima của Hải quân Hoàng gia Malaysia, một tàu phụ trợ của hải quân được triển khai đến khu vực này một ngày trước khi xà lan Sapura 2000 đến.
Các tín hiệu AIS từ cả tàu CCG 5403 và tàu Bunga Mas Lima đều không liên tục, nhưng một tín hiệu từ tàu CCG 5403 vào ngày 5-6 cho thấy nó chỉ ở cách xà lan Sapura 2000 hai hải lý. Đến ngày 7-7, tàu CCG 5403 và xà lan Sapura 2000 chỉ còn cách nhau 1,2 hải lý.
Ngày 12-6, con tàu CCG 5403 rời Kasawari và được thay thế bằng tàu CCG 5303 lớn hơn, một chiếc máy cắt lớp Zhaoduan dài 138 mét. AIS cho thấy tàu Bunga Mas Lima quay về Sarawak vào ngày 13-6, nhưng tàu CCG 5303 vẫn ở lại.
Hình ảnh vệ tinh ngày 14-6. Ảnh: CSIS/AMTI
Hình ảnh vệ tinh từ công ty Planet Labs đã ba lần ghi được hình ảnh tàu CCG 5303 tiến lại gần xà lan Sapura 2000 và các tàu tiếp tế ngoài khơi.
Tín hiệu AIS của tàu CCG 5303 bị mất từ ngày 17-6 đến ngày 5-7, nhưng một hình ảnh ngày 3-7 cho thấy nó vẫn hoạt động gần Kasawari. Điều này cho thấy nó có thể đã dành thời gian đó để quấy rối xà lan Sapura 2000.
Hình ảnh ngày 17-6. Ảnh: CSIS
Ngày 3-7, xà lan Sapura 3000 đã đến khu vực để cùng xà lan Sapura 2000 lắp đặt giàn khoan cho đầu giếng tại mỏ Kasawari. Dữ liệu của AIS từ ngày 5-7 cho thấy tàu CCG 5303 rõ ràng phản đối hoạt động đó. Tàu CCG 5303 khi đó chỉ cách chiếc xà lan Sapura 3000 khoảng 365 m, và cách một tàu tiếp nhiên liệu ngoài khơi của xà lan Sapura 300 - tàu Bes Elite đúng 183 m.
Vị trí các tàu ngày 3-7. Ảnh: CSIS/AMTI
Hiện tàu CCG 5303, xà lan Sapura 2000 và xà lan Sapura 3000 đều đang ở Kasawari. AMTI đã không quan sát thấy bất kỳ hoạt động nào khác từ cơ quan thực thi pháp luật hoặc quân đội Malaysia kể từ khi tàu Bunga Mas Lima rời đi vào tháng 6.
Vị trí các tàu ngày 5-7. Ảnh: CSIS/AMTI
Sẽ chưa chấm dứt
Đây là lần thứ ba các tàu CCG quấy rối hoạt động thăm dò năng lượng của Malaysia kể từ mùa xuân năm ngoái. Điều này một lần nữa chứng tỏ sự dai dẳng của Bắc Kinh trong việc theo đuổi thách thức các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này, theo AMTI.
Việc Trung Quốc vừa triển khai tàu CCG vừa tổ chức tuần tra trên không khả năng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Điều nàny cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tham gia vào một cuộc leo thang song song để gây áp lực buộc các bên tranh chấp khác phải lùi bước.
Căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Malaysia có thể sẽ giảm bớt khi việc lắp đặt đầu giếng ở mỏ Kasawari hoàn tất. Giai đoạn thứ hai của công việc tại mỏ Kasawari dự kiến bắt đầu trong năm 2022 và khả năng xích mích từ các hoạt động năng lượng ngoài khơi của Malaysia ở Sarawak với phía Trung Quốc sẽ còn tiếp tục.