Tới dự và chứng kiến lễ ký có ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, đại diện lãnh đạo Vietnam Airlines, SeABank, MSB, SHB…
Thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Tại Lễ ký này, các tổ chức tín dụng cam kết cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỉ đồng để hỗ trợ Vietnam Airlines ứng phó, vượt qua khủng hoảng và bảo đảm khả năng phục hồi, phát triển của Vietnam Airlines sau đại dịch.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 nhằm góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện tại, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỉ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, sau khi giải ngân tổng số tiền 4.000 tỉ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn COVID-19... Những giải pháp này đã mang đến kết quả tích cực khi tiết kiệm được một phần rất lớn chi phí cho Vietnam Airlines, lên tới gần 6.000 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết thêm, theo đánh giá của các tổ chức hàng không và Vietnam Airlines, thị trường khách quốc tế có thể sẽ cần 2 - 3 năm để hồi phục tương đương với mức của năm 2019, trong khi thị trường nội địa có thể phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Với kịch bản lạc quan, dự báo đến năm 2023, thận trọng hơn là năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Võ Đức Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT SHB thay mặt các Ngân hàng ký kết hợp đồng tín dụng cam kết giải ngân gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN nhanh chóng, kịp thời, đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu về vốn của Vietnam Airlines, đồng hành cùng Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần phát triển giao thương trong nước và quốc tế.
Ông Võ Đức Tiến hy vọng, Vietnam Airlines sử dụng nguồn vốn vay này đúng mục đích và có hiệu quả, đảm bảo an toàn nguồn vốn tái cấp vốn của NHNN. Đồng thời, cùng với các giải pháp khác đang được triển khai, Vietnam Airlines sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển khẳng định vị thế của mình trong khu vực và quốc tế.
CKH
Xem thêm: 904954VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www