Những ngày qua, anh Trần Ngọc Lân đứng ngồi không yên vì không tìm được nơi cho con học lớp 10 dù con anh có học lực khá và điểm thi khá cao - Ảnh: QUỐC NAM
UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc tìm giải pháp. Nhưng từng ngày trôi đi, giải pháp chưa thấy đâu, phụ huynh thì đứng ngồi không yên.
Học sinh bơ vơ, phụ huynh đứng ngồi không yên
Trần Trung Thành là học sinh Trường THCS Chu Văn An, ở TP Đồng Hới. Kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, vì lực học ở mức khá nên Thành đăng ký thi vào Trường chuyên Võ Nguyên Giáp. Sau khi có kết quả thi, Thành không đủ điểm vô trường chuyên.
Vào thời điểm đó, Trường THPT Đào Duy Từ và Phan Đình Phùng ở cùng TP đã nhận đủ chỉ tiêu, nên Thành bỗng nhiên rơi vào tình trạng "hết chỗ học".
Anh Trần Ngọc Lân, bố của Thành, những ngày qua đang vô cùng lo lắng vì không thể tìm ra cách cho con đi học lớp 10. "Các trường đều đã đủ chỉ tiêu. Không lẽ con học khá mà phải cho con đi học nghề, hoặc cho con nghỉ học 1 năm thì tội quá", anh Lân nói.
Theo tìm hiểu, Thành là một trong số gần 400 hồ sơ học sinh trong đợt thi lớp 10 vừa qua tại Quảng Bình hiện vẫn chưa có chỗ nhận vào học. Ngoài Trường THPT Phan Đình Phùng, Trường THPT Đào Duy Từ cũng là nơi dư trên dưới 100 hồ sơ ngoài chỉ tiêu.
Tình trạng thừa học sinh không chỉ ở TP Đồng Hới mà còn ở các trường của các huyện. Nhiều trường rơi vào tình cảnh dư hồ sơ nhưng các trường khác cũng đã tuyển đủ nên không chuyển được.
"Nhiều em điểm rất cao. Mức điểm có thể nói là cao ngang tốp đầu của các trường không phải chuyên, không phải trường điểm nhưng vẫn không thể tiếp nhận. Đó là điều rất bất cập", thầy Nguyễn Nhật Lệ, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, khẳng định.
Trường THPT Phan Đình Phùng hiện dư rất nhiều hồ sơ ngoài chỉ tiêu - Ảnh: QUỐC NAM
Tăng lớp, tăng chỉ tiêu được không?
Ông Nguyễn Minh Tuấn, hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, cho rằng giải pháp chỉ có thể là tăng lớp hoặc tăng chỉ tiêu. Và nếu tăng chỉ tiêu hoặc tăng lớp thì trường này vẫn đảm bảo đủ chất lượng dạy và học vì hiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của trường đều đảm bảo ở mức chuẩn.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, nói theo chủ trương của bộ, tỉnh đã cho tuyển 83%, còn lại 17% để thực hiện theo chủ trương phân luồng qua các trường nghề. Nhưng vấn đề là hiện chất lượng các trường nghề cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Giải pháp chủ yếu là đề nghị tỉnh cho một số trường tăng lớp hoặc tăng thêm chỉ tiêu. Vấn đề còn lại là quyết định của tỉnh nên học sinh và phụ huynh vẫn phải chờ", ông Tuấn nói.
Ông Hồ An Phong, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đã yêu cầu Sở GD-ĐT báo cáo cụ thể số lượng học sinh dự thi vào THPT của năm học 2021 - 2022, so sánh với năm học trước.
Đối với các trường có đề nghị được tăng chỉ tiêu hoặc tăng lớp, tỉnh yêu cầu báo cáo số lượng học sinh thi tuyển và danh sách dự kiến tuyển sinh bổ sung, báo cáo rõ số lượng biên chế giáo viên thực tế giảng dạy, giải trình các cơ sở đề nghị tăng thêm lớp để phù hợp với các quy định.
Trưa 30-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thay vì diễn ra ngày 2 và 3-6 như kế hoạch.