Nhà xưởng của Alta Group, tại Khu công nghiệp Tân Bình, đã dựng lều cho công nhân lưu trú trong công ty - Ảnh: A.T.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tổ chức được chỗ ăn ở và sinh hoạt cho hàng ngàn công nhân, cũng không thể yêu cầu công nhân phải xét nghiệm 3 ngày/lần.
3 tại chỗ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Anh Tú - tổng giám đốc Alta Group (Khu công nghiệp Tân Bình), chuyên sản xuất các loại bao bì phân hủy sinh học dùng trong siêu thị - cho biết DN đã mua khoảng 100 lều trại, bố trí lại nhà xưởng để dựng lều trong khuôn viên công ty và sắp xếp văn phòng để công nhân lưu trú tạm thời, ăn, ở và làm việc tại nhà máy.
Các công nhân nam sẽ ở trong các lều, công nhân nữ ở giường tầng trong khối nhà văn phòng, đảm bảo sinh hoạt tách biệt và công ty sẽ lo ăn uống cho công nhân. DN cũng liên hệ đơn vị y tế để công nhân giao nhận phải test nhanh COVID-19 thường xuyên và test định kỳ các công nhân ở lại tại công ty.
Ngoài ra, DN cũng tách biệt một khu vực để nếu có trường hợp F1, F0 sẽ cách ly tạm thời trước khi lực lượng y tế đến đưa đi cách ly tập trung. "Phương án cho công nhân lưu trú trong DN đã được ban điều hành chuẩn bị cả tháng nay, đến ngày 8-7 chỉ áp dụng theo kịch bản để yên tâm hơn trong duy trì sản xuất", ông Tú cho biết.
Tại Khu công nghệ cao TP.HCM, các DN đã chuẩn bị phương án duy trì sản xuất khi thuê khách sạn cho người lao động đến lưu trú. Ông Lưu Kim Hồng - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec VN - cho biết nhiều lao động của DN này, trong đó có công nhân tại Đồng Nai, Bình Dương..., đã được DN bố trí lưu trú tại khách sạn để đảm bảo không đứt gãy sản xuất.
Bà Lê Thị Bích Loan - phó ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết ngoài Nidec VN, các DN FDI như Intel, Schneider và một số DN khác cũng đã thuê khách sạn gần Khu công nghệ cao TP.HCM cho người lao động ăn ở. "Phần lớn số người được ăn ở tại khách sạn là nhân sự quan trọng, làm việc trong các quy trình chính, cần thiết phải tham gia trong dây chuyền sản xuất", bà Loan cho biết.
Gặp khó với yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần
Nhiều DN thừa nhận rằng đang gặp khó trong việc cho công nhân lưu trú trong nhà xưởng, nhất là vấn đề sinh hoạt và vệ sinh của công nhân nữ. Đại diện một DN FDI trong Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết việc cho công nhân ăn ở trong nhà xưởng khó khả thi bởi khó đảm bảo điều kiện sinh hoạt của công nhân nữ. Riêng Samsung có phương án lưu trú tập trung do có diện tích rộng, tự đầu tư khu lưu trú, bố trí nơi ăn ở đảm bảo cho công nhân.
Bà Hồ Uyên - chi hội trưởng Chi hội DN Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết với những DN có công nhân nhiễm COVID-19, việc yêu cầu DN phải để người lao động lưu trú tập trung trong nhà máy mới được hoạt động sẽ có nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Thay vào đó, các DN đề xuất cần cho người lao động về các địa phương và nâng tần suất xét nghiệm.
Theo bà Uyên, các công nhân đã chích ngừa vắc xin, đã xét nghiệm âm tính và có xác nhận là nhân sự cần thiết cho hoạt động sản xuất của DN phải được tạo điều kiện để đi lại nhằm duy trì sản xuất.
Ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn, DN đang có 600 công nhân - cho rằng nên quy định phải xét nghiệm 1 tuần/lần thay vì 3 ngày/lần như hiện nay, bởi việc chờ đợi xét nghiệm tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là tăng nguy cơ lây nhiễm.
Phải thẩm định nơi lưu trú tập trung?
Theo một số DN tại Khu công nghệ cao TP.HCM, việc tổ chức cho người lao động ở lại trong nhà máy gặp khó do phải đáp ứng quy định của Bộ Y tế là có nơi lưu trú tập trung và phải thẩm định các tiêu chí về an toàn cho người lao động, đảm bảo giãn cách...
Đại diện ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết sau khi kiểm tra, các chuyên gia của Bộ Y tế vẫn chưa thống nhất việc có nên bắt buộc phải thẩm định nơi lưu trú tập trung này hay không.
Một số ý kiến cho rằng không cần phải thẩm định do đây là tình huống cấp bách, thời gian gấp rút, một số ý kiến khác lại cho rằng vẫn phải thẩm định như đã áp dụng tại Bắc Giang. Tuy nhiên, ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết chưa được tập huấn chuyên môn, hướng dẫn về các tiêu chí để áp dụng.
Hơn nữa, yêu cầu thẩm định nơi lưu trú tập trung tại Bắc Giang gặp nhiều thuận lợi hơn do tất cả các công ty đã dừng sản xuất, trong khi DN tại Khu công nghệ cao TP.HCM vẫn đang sản xuất, thời gian lại quá gấp rút, lại chưa biết áp dụng theo tiêu chí nào.
TTO - Sau khi TP.HCM quyết định giãn cách theo chỉ thị 16 và Bộ Y tế yêu cầu người từ TP.HCM đi các tỉnh phải tự cách ly, nhiều doanh nghiệp, người dân nêu thắc mắc về những tình huống cụ thể đối với những địa bàn giáp ranh.
Xem thêm: mth.64863223280701202-ial-o-nahn-gnoc-ohc-iart-uel-gnud/nv.ertiout