Người dân xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175 (Q.Gò Vấp) sáng 8-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN
* TP giãn cách theo chỉ thị 16, việc xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào?
- Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng tác nhân gây bệnh đã có ở khắp TP. Do đó cần tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong 15 ngày sắp tới với các giải pháp, chiến lược phù hợp, quyết liệt hơn để kiểm soát dịch bệnh.
Cụ thể, ưu điểm của xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) trong điều tra, truy vết khoanh vùng dập dịch vẫn là mũi tấn công quan trọng để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Hiện nay, hoạt động này đã được tổ chức lại và tăng cường nhân sự phụ trách điều tra, truy vết tại các quận huyện.
Khi phát hiện ca F0 sẽ nhanh chóng điều tra nhanh các mốc dịch tễ; lập danh sách, truy vết các F1 chuyển cách ly tập trung xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu đơn RT-PCR. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ cho kết quả trong vòng 30 phút, từ đó sẽ có những quyết định can thiệp nhanh mà không cần chờ kết quả xét nghiệm PCR như trước đây.
* Các khu phong tỏa sẽ xét nghiệm ra sao để phát hiện nhanh các ca nhiễm mới? Trả kết quả nhanh hơn không?
- Việc xét nghiệm ở khu vực phong tỏa, khu vực có khả năng lây nhiễm cao liên quan đến bệnh nhân, xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ được triển khai bên cạnh xét nghiệm RT-PCR.
Xét nghiệm này sẽ giúp tìm ra nhanh các trường hợp nghi nhiễm và xử trí nhanh mà không cần chờ kết quả RT-PCR. Điều này sẽ giúp khoanh vùng những trường hợp nghi nhiễm một cách nhanh chóng, hạn chế tiếp tục lây nhiễm cho những người xung quanh.
Trong thời gian này việc xét nghiệm tầm soát sẽ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với năng lực xét nghiệm.
Qua thông tin điều tra, truy vết, ngành y tế sẽ lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ tại các địa bàn quận huyện để từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.
Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm này có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác.
Ngành y tế sẽ ưu tiên thời gian trả kết quả của các F1, mẫu trong khu cách ly, khu phong tỏa theo đúng quy định để phục vụ cho công tác khoanh vùng, dập dịch, đánh giá nguy cơ.
* Thời gian qua, UBND các phường dừng thực hiện các thủ tục không thiết yếu phòng COVID-19. Tôi cần chứng thực một số giấy tờ để làm hồ sơ vay ngân hàng. TP giãn cách, các đơn vị này có mở cửa làm việc hay không? (Minh Tú - Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
- Theo hướng dẫn của UBND TP.HCM về thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 trên toàn TP để phòng COVID-19, các đơn vị được phép tiếp tục hoạt động gồm: cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu...);
Ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...); chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất - nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh, tang lễ...
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như thực hiện nghiêm 5K, khử khuẩn, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng chống dịch, yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp tiếp xúc, giao tiếp; tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động...
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay khả năng lấy mẫu của TP là 1,3 triệu mẫu/ngày. Công suất xét nghiệm là 400.000 mẫu/ngày. TP đang phối hợp với doanh nghiệp để tăng cường thêm năng lực xét nghiệm với mục tiêu 1 triệu mẫu/ngày trong thời gian sắp tới.
Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cần rút kinh nghiệm khâu tổ chức để đảm bảo việc giãn cách khi thực hiện trong thời gian tới.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng đã triển khai tập huấn quy trình triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh ở các khu công nghiệp do các doanh nghiệp tự chi trả.
Đi chợ qua điện thoại
Nhân viên Co.opmart giao hàng cho khách tại chung cư trên đường Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
* Chợ phường nhà tôi đã phong tỏa từ 8-7 do có ca F0, mua rau quả thịt cá giờ khó khăn. TP.HCM công bố danh sách kèm số điện thoại các cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm. Chúng tôi đặt hàng qua điện thoại, dịch vụ giao hàng tận nhà như thế nào?
- Theo đại diện Bách Hóa Xanh, hiện đơn vị tăng cường bán hàng qua Zalo hoặc số điện thoại. Khách có thể liên hệ đặt hàng theo số điện thoại được công bố của cửa hàng gần nhà. Khách có thể tới nhận hàng theo lịch hẹn hoặc cửa hàng sẽ giao hàng tận nhà. Trong 15 ngày giãn cách, lượng hàng sẽ tăng gấp đôi bình thường.
Trong khi đó, Vissan cho biết người dân có thể đặt mua qua website của đơn vị (vissanmart.com) hoặc hotline mua hàng 190011960, hoặc đặt hàng qua fanpage. Các kênh đặt hàng này sẽ có người túc trực thường xuyên để ghi đơn hàng và báo thời gian giao hàng.
Đối với hệ thống Co.opmart, khách có thể gọi điện thoại, email, Zalo, Viber để đặt mua hàng ở bất kỳ Co.opmart/ Co.opXtra/ Co.opFood/ Co.opSmile gần nhất. Hiện đơn vị áp dụng miễn phí giao hàng trong vòng 6km cho hóa đơn trên 200.000 đồng.
Với hệ thống Co.opFood, khách có thể đặt hàng qua số điện thoại, khách hàng đến mua sắm trực tiếp sẽ áp dụng mua hàng không tiếp xúc Pick&Ship (đặt hàng trước và giao hàng theo yêu cầu), đặt hàng trực tuyến, đặt qua gian hàng Co.opFood trên các ứng dụng xe công nghệ...
Hệ thống siêu thị Vinmart cũng giao hàng tận nhà. Để được phục vụ nhanh nhất, khách hàng có thể đặt hàng bằng cách gọi điện trực tiếp đến siêu thị/cửa hàng gần nhất.
* Các chợ truyền thống ở nội thành TP.HCM có tổ chức giao hàng tận nhà không?
- Ông Nguyễn Văn Sinh - trưởng ban quản lý chợ Xã Tây (Q.5) - cho biết chợ vẫn giữ dịch vụ "đi chợ giúp" cho người dân. Tiểu thương sẽ giao hàng đến người dân. Đại diện chợ Bình Thới dự định sẽ vận động thương nhân cung cấp số điện thoại lên các trang mạng, người dân ở nhà có thể liên hệ mua hàng.
Theo Sở Công thương TP.HCM, TP có khoảng 110/234 chợ truyền thống còn hoạt động. Khi áp dụng chỉ thị 16, các chợ sẽ phân luồng ra vào chợ, hạn chế lượng người vào chợ. Ngoài ra, có thể xem xét phân chia thời gian bán hàng, ưu tiên giao nhận hàng phía ngoài khu vực chợ.
HỎI - ĐÁP mùa dịch COVID-19
Bắt đầu từ 8-7, Báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP mùa dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được Báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
TTO - Trong cuộc họp báo tối nay (8-7), ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã giải đáp một số câu hỏi quanh việc thực hiện chỉ thị 16 từ 0h đêm nay của TP.HCM để phòng chống dịch COVID-19.