Nên giúp dân thuận tiện chứng minh 'ra đường chính đáng'
Minh Duy
(KTSG Online) - Chiều tối 8-7, vài giờ trước khi TPHCM bước vào 15 ngày giãn cách để ngăn dịch, nhiều người vẫn chen lấn mua thực phẩm nhiều nhất có thể dù cơ quan chức năng đã rất nhiều lần giải thích là thành phố đảm bảo đủ lương thực.
Chắc rằng, trong số đó cũng có những người lo ngại thành phố sẽ không kịp xoay xở đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân khi ba chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn và chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, những nơi cung cấp lượng lớn hàng hóa cho thành phố, cùng hàng loạt chợ dân sinh phải đột ngột đóng cửa vì dịch.
Có người dù biết sẽ không thiếu lương thực nhưng vẫn muốn mua chút ít tích trữ trong mấy ngày đầu để rảnh tay lo những chuyện rắc rối phát sinh do giãn cách và cũng không ít người bị tâm lý đám đông thôi thúc, nên cứ mua lấy mua để dù không cần nhiều đến thế.
Tuy nhiên, còn một nhóm khác, rất lớn, là những người lo ngại không thể ra đường dù là để mua đồ ăn. Người dân đang thiếu thông tin chi tiết về việc làm như thế nào cho đúng với quy định của chính quyền để không bị phạt.
Trong hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã nói rõ là người dân được ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa thiết yếu hoặc trong các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.
Với những trường hợp khẩn cấp thì có thể hiểu nhưng với trường hợp ra ngoài mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, làm sao để chứng minh là "ra đường chính đáng" để không bị phạt 1-3 triệu đồng?
Chiều tối 8-7, trong buổi họp báo trước giờ giãn cách xã hội toàn thành phố, trả lời phóng viên về việc xử phạt người dân ra đường khi không cần thiết thực hiện như thế nào, một lãnh đạo thành phố cho biết, nếu không lý giải được lý do chắc chắn, người dân không được ra đường.
Câu trả lời đó vẫn chưa thể giải đáp đầy đủ thắc mắc của người dân. Phải làm sao để chứng minh được là có lý do chắc chắn khi bị cơ quan chức năng bắt dừng lại trên đường?
Khi đó, người dân chỉ cần giải thích là nhà đang hết thực phẩm, hay phải chứng minh bằng hình ảnh của chiếc tủ lạnh trống, hủ gạo sạch trơn hoặc bằng các "chứng nhận tạm thời" là phiếu (tem) đi chợ, siêu thị vừa được phát? Trong trường hợp không được phát tem thì sao, dùng giấy tờ nào để trình?
Hàng loạt thắc mắc vẫn chưa được giải đáp trước giờ G. Thế nên, việc nhiều người lo lắng, đổ xô chen lấn, chấp nhận giá cao để mua hàng dữ trữ là có thể hiểu được.
Đáng lẽ, người dân phải được hướng dẫn chi tiết hơn nữa, như kiểu cầm tay chỉ việc về những việc được làm, không được làm trong thời điểm ai nấy đang rối ren vì dịch bệnh.
Như trường hợp ra đường mua thực phẩm, nếu dân biết chỉ cần nói nhà hết gạo là được đi thì không ai còn lo lắng để chen lấn mua hàng tích trữ làm gì.
Điều này sẽ giúp người dân bớt mệt mỏi, chính quyền cũng không lo tụ tập động người và cũng không phải căng sức điều tiết hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao tức thời của thị trường.
Cơ quan quản lý có thể gửi hướng dẫn này đến người dân bằng nhiều kênh như báo chí, thông báo qua tin nhắn, e-mail hay bằng cả những chiếc loa phường hàng ngày vẫn phát kêu gọi người dân cùng ngăn dịch.
Với đợt giãn cách này, người dân không chỉ thiếu thông tin về những việc cần làm để được đi mua lương thực mà còn không biết làm sao để có thể đến chỗ làm việc, phải xin giấy tờ gì, xin ở đâu... cho đến giờ vẫn chưa được cơ quan chức năng thông tin rành mạch.
Đây là những thông tin cần được cung cấp ngay cho người dân. Thông tin càng chi tiết, càng rõ ràng thì người dân càng dễ chấp hành quy định giãn cách để cùng thành phố ngăn dịch hiệu quả nhất.
Xem thêm: lmth.gnad-hnihc-gnoud-ar-hnim-gnuhc-neit-nauht-nad-puig-nen/151813/nv.semitnogiaseht.www