Trong khi tiêm kích tàng hình J-20 được coi là câu trả lời của Trung Quốc đối với tiêm kích tàng hình hiện đại F-35 của Mỹ, Bắc Kinh đã phát triển máy bay cất cánh từ tàu sân bay thế hệ thứ năm FC-31. Câu hỏi đặt ra là liệu J-20 và FC-31 có thể sánh ngang tiêm kích F-35 và F-22 Raptor của Mỹ hay không?
Trung Quốc bị tố đánh cắp thiết kế tiêm kích Mỹ
Theo báo The EurAsian Times, F-35 là tiêm kích tàng hình siêu thanh được Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến của Mỹ sử dụng. Do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin sản xuất, F-35 dài 15,7 m, sải cánh dài 13,1 m. F-35 có thể bay với tốc độ Mach 1.6 (1.960 km/giờ), có thể mang theo tải trọng 8.160 kg.
Tiêm kích F-35B cất cánh từ tàu sân bay. Ảnh: TWITTER
F-35 hiện có ba biến thể là F-35A (có thể cất và hạ cánh thông thường), F-35B (cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng) và F-35C dùng trên tàu sân bay.
Nhiều năm qua, Trung Quốc vấp phải những cáo buộc sao chép và đánh cắp thiết kế của những hệ thống vũ khí từ các nước đối thủ.
Chẳng hạn, thiết kế tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter của Lockheed Martin được cho là bị một công dân Trung Quốc tên Su Bin đánh cắp. Tạp chí Popular Mechanics từng đưa tin Su Bin bị kết án 46 tháng tù vì tội làm ảnh hưởng những thiết kế của tiêm kích F-22 Raptor Mỹ.
Tiêm kích FC-31 và F-35
Ban đầu được gọi là J-31, FC-31 có phạm vi hoạt động lớn hơn và tải trọng lớn hơn so với F-35. Giới chuyên gia Mỹ từng lưu ý rằng J-20 và FC-31 của Trung Quốc “nhái” F-22 và F-35 của Mỹ, đồng thời yêu cầu các hành động nghiêm khắc chống lại Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin năm 2015 tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng J-20 giống khá nhiều F-22 của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng J-31 của họ giống khá nhiều F-35 của chúng tôi. Chúng tôi biết điều này và cái giá phải trả cho những người đóng thuế Mỹ. Tại sao chúng ta không đưa ra hành động cứng rắn chống lại họ (Trung Quốc)?”.
Ảnh chụp màn hình tiêm kích FC-31 được trưng bày tại Công viên triển lãm thế giới hàng không của Tập đoàn Phi cơ Thẩm Dương tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Ảnh: The EurAsian Times.
FC-31 do Tập đoàn Phi cơ Thẩm Dương – thành viên liên minh của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc chế tạo. FC-31 được cho là tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ năm, hai động cơ. FC-31 dài 16,9 m, sải cánh dài 11,5 m.
FC-31 có thể bay với tốc độ 2.200 km/giờ với trần bay thực tế khoảng 20 km.
Theo chuyên san quân sự The National Interest, khả năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu đối địch được coi là khả năng quan trọng của một tiêm kích tàng hình. Sự khác biệt đáng kể giữa FC-31 và F-35 về cảm biến, điện toán được trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ và tầm hoạt động hiệu của của máy bay.
The National Interest cho rằng máy bay nào có thể nhìn thấy, phát hiện và phá hủy máy bay kia trước bằng cảm biến tầm xa, có độ trung thực cao và vũ khí dẫn đường chính xác, tầm xa hơn có khả năng chiếm ưu thế.
Giới chuyên gia tin rằng F-35 thực hiện tốt những chức năng này, đó là phát hiện, theo dõi và vô hiệu hóa máy bay thù địch ở tầm xa hơn. Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện liệu FC-31 có khả năng sánh ngang khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng của tiêm kích tàng hình Mỹ hay không.
Việc FC-31 thiếu khả năng cất cánh theo phương thẳng đứng có thể là trở ngại lớn ngăn Trung Quốc đến với thành công trong việc chế tạo tiêm kích này, đặc biệt là khi nước này bị mắc kẹt trong cuộc xung đột với Đài Loan vốn được Mỹ ủng hộ.
Báo chí Trung Quốc từng dẫn lời một phi công thử nghiệm của quân đội Trung Quốc nói rằng thiết kế khí động học tàng hình, động cơ và thiết kế lớp sơn phủ của FC-31 ngang ngửa các đối thủ phương Tây.
Phi công thử nghiệm Xu Yongling nói thêm FC-31 có khả năng tàng hình phù hợp và tải trọng đáng kể, có thể mang lại lợi thế cho FC-31 trước F-35.
The National Interest còn đề cập cáo buộc các tiêm kích Trung Quốc và tiêm kích Mỹ có nhiều thiết kế tương tự. Báo cáo cho rằng hai máy bay trên có thiết kế cửa hút siêu âm không bộ chuyển đổi (DSI ) giống nhau.
The National Interest lưu ý sự khác biệt lớn giữa tiêm kích Mỹ và tiêm kích Trung Quốc là F-35 có một động cơ, còn FC-31 là tiêm kích hai động cơ.