Trường tiểu học Bình Phước, “ký túc xá” mùa thi năm 2019 của học sinh xã đảo Thạnh An - Ảnh: MAI THƯƠNG
Các em ở trường học làm nơi trọ trong những ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Phòng học cũng là nơi ngủ nghỉ, ôn bài
Vì điều kiện đi lại khó khăn, hằng năm 30 - 40 học sinh lớp 12 Trường THCS - THPT Thạnh An thuộc xã đảo Thạnh An được hội đồng thi tạo điều kiện cho lưu trú tại Trường tiểu học Bình Phước để dự thi THPT quốc gia.
Các chi phí của các em trong thời gian này được huyện Cần Giờ và Trường THCS - THPT Thạnh An hỗ trợ trong 3 ngày thi. Các em sẽ ăn ở, ngủ nghỉ, sinh hoạt, ôn bài... ngay trong phòng học.
Nếu như nhiều học sinh ở thành phố hoặc những nơi khác chỉ cần sáng thi trưa về, trưa thi chiều về, riêng học sinh ở đảo có một hành trình đặc biệt.
Hành trang "vượt vũ môn" của các em ngoài balô, sách vở còn thêm quần áo, chăn mền, các vật dụng sinh hoạt khác, thậm chí là cá khô, mì tôm để đảm bảo cho những ngày ở lại khu tạm trú trong kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách.
Trường tiểu học Bình Phước ở ngay cạnh điểm thi Trường THCS Bình Khánh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM), gần như là điểm thi duy nhất của huyện đảo Cần Giờ trong kỳ thi THPT quốc gia tại TP.HCM.
Sau khi hoàn tất thủ tục và kiểm tra lại các thông tin đăng ký dự thi tại điểm thi, các em về lại phòng nghỉ ngơi.
"Mì tôm, cá khô, sữa, mẹ em cứ giúi vào balô. Mì thì để "cứu đói" lúc khuya ôn bài, cá khô để ăn cơm mỗi bữa vì mẹ em sợ lạ thức ăn, lạ nước rồi đau bụng, không tham gia thi được. Sữa thì ngay bên đường trước điểm thi cũng có bán nhưng mẹ vẫn cứ mua bắt em mang theo.
Cả nhà lo lắng cho em những ngày trọng đại nên em sẽ cố gắng" - một thí sinh nam soạn hành trang ra khỏi balô và kể.
"Ký túc xá" mùa thi của các em học sinh xã đảo Thạnh An được phân chia thành hai phòng học, hai khu nam nữ khác nhau. Bàn ghế được xếp gọn, chồng lại để một góc trong phòng học. Các em tận dụng bàn ghế như chiếc tủ để sách vở, treo quần áo, dụng cụ cá nhân.
Giường ngủ là những tấm chiếu mỏng, tấm thảm bằng xốp trải dưới nền gạch men. Mỗi em được "phân lô" một diện tích nhỏ nhất định. Xếp theo hàng, hết "giường" của em này đến "giường" của em khác ngay trên sàn gạch.
Khoảng 6 giờ chiều, có người đưa cơm hộp đến cho các em. Mỗi hộp cơm gồm vài lát thịt cá, rau xào và một bịch canh tương đối đầy đủ dinh dưỡng. Một phòng sẽ có người đại diện nhận cơm rồi phân phát.
Bữa chiều đầu tiên ở điểm thi rộn ràng, nhộn nhịp. Những khuôn mặt, những ánh mắt các em có lẽ lần đầu tiên trong đời xa đảo nhiều ngày vừa nao nức xen lẫn lo âu.
Tối đến. Mỗi em một góc phòng. Có em ra ghế đá, có em ra hành lang, em thì ngồi lối cầu thang, có em ra tận nhà xe giáo viên, ngồi dưới ánh đèn để ráng dốc sức ôn lại những kiến thức, chuẩn bị "vào trận" thi cử quan trọng sau 12 năm đèn sách.
Học sinh Thạnh An cố gắng ôn luyện cho mùa thi năm 2019 - Ảnh: THẢO THƯƠNG
"Em nghĩ đến cha mẹ"
Sáng tinh sương ngày đầu thi. Các thí sinh gọi nhau dậy, cùng san sẻ mơ ước có "tấm vé" bước vào cánh cổng trường đại học, ước mơ thay đổi cuộc sống nơi đảo nghèo khó. Mỗi một thí sinh là một hoài bão, một con đường riêng nhưng chung một chí hướng: đậu
đại học.
Ăn vội bữa sáng bằng xôi đậu, có em chọn mì tôm, em thì ăn mỗi xúc xích và hộp sữa để lót dạ thi môn văn. Rộn ràng trong căn "phòng trọ" là mấy chục gương mặt trong áo quần chỉnh tề, tinh thần thả lỏng có, háo hức có, lo lắng có và cả vẻ ngoài... vô tư như không có gì. Từng tốp, từng tốp kéo nhau bước bộ đến điểm thi.
Sau hơn hai giờ thi, giữa cái oi bức của Cần Giờ, các thí sinh ở xã đảo Thạnh An lại đi theo từng tốp ra cổng, rẽ trái về khu ở tạm tại Trường tiểu học Bình Phước để ăn trưa và nghỉ ngơi. Nói là nghỉ ngơi nhưng hầu như các em đều cầm trên tay đề cương, tập tài liệu, sách giáo khoa để xem lại. Đến giờ thi buổi chiều, các sĩ tử lại tiếp tục.
Còn nhớ một học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Thạnh An tâm sự: "Tất cả các bạn ở đây đều ở xa, nên thi mà có chỗ ở lại kiên cố như thế này là rất mừng. Các bạn ở thành phố có ba mẹ đưa đón, đợi sẵn ở cổng mỗi môn thi kết thúc. Bọn em ra về phòng trọ một mạch.
Em không hề tủi thân, chỉ nghĩ cha mẹ em mỗi ngày làm lụng cực nhọc. Em ráng học, ráng thi để thay đổi cuộc sống, xứng đáng với mồ hôi của cha mẹ em thôi".
Tôi trò chuyện với một nữ sinh tên Lan, khuôn mặt trái xoan, có vết sẹo lớn ở cánh tay phải, vì ở tập thể nên thi thoảng tâm sự em lại e thẹn giấu đi, đưa cánh tay về phía sau. Em kể mình ở ấp đảo Thiềng Liềng là nơi xa nhất, cách trở nhất của xã đảo Thạnh An. Em muốn đến được thị trấn Cần Thạnh để đón xe đến điểm thi thì phải qua 2 chuyến đò.
Lan chia sẻ: "Em từ nhỏ đi học không có ai đưa đón, cấp I thì đi bộ, cấp II, III thì đi xe đạp. Ba em chạy xe ba gác, mẹ buôn bán ở chợ lo miếng ăn cho mấy chị em nên việc đưa đón con đến trường, tan học là việc... xa xỉ. Em thấy rất bình thường khi phải đi thi trong hoàn cảnh đặc biệt này vì đã quen. Em chỉ cầu mong mình thi thật tốt để không phụ lòng ba mẹ".
Lan cho biết em nuôi ước mơ được trở thành giáo viên, về quê hương xã đảo của mình để gõ đầu trẻ. "Ba em nói quý nghề giáo. Em lại còn các em nên đi theo ý nguyện của gia đình", Lan bày tỏ.
2019 là năm Trường THPT Thạnh An có lứa học sinh đầu tiên bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Theo chân các thí sinh xã đảo có giáo viên của trường để quản lý và chăm sóc các em. Tất cả đều được đo thân nhiệt, giáo viên nhắc nhở các em rửa tay sát khuẩn để đảm bảo có sức khỏe thật tốt cho kỳ thi.
Các em tếu táo với nhau rằng đỗ đạt thì không thể bằng các bạn TP, nhưng rớt tốt nghiệp, rớt đại học thì cả xã đảo, cả xóm làng ai cũng biết, nên các em động viên nhau trong ngày quan trọng này. Kỳ thi là để khẳng định tương lai bản thân các em để đáp lại kỳ vọng cha mẹ, của nhà trường.
Những hồi họp, lo âu căng thẳng trong 3 ngày thi rồi sẽ qua, nhưng những kiến thức, những tài liệu, bài thi và sự quyết tâm thì sẽ còn mãi. Tất cả sẽ làm bước đệm cho các em bước sang một cánh cửa mới rộng lớn hơn của cuộc đời.
Kỳ thi đặc biệt
Thầy Trần Văn Quyên, hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Phước (huyện Cần Giờ), cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 38 em ở xã đảo Thạnh An đến "cắm trại" ở đây.
Khác với 2 năm trước, năm nay thi trong tình hình dịch giã căng thẳng nên các em phải chia ra làm 4 phòng để ăn ở, sinh hoạt, ngủ nghỉ. Thay vì mọi năm các em ăn cơm hộp, năm nay căngtin trường phối hợp nấu ăn tại chỗ phục vụ cho các em bữa ăn đủ chất, an toàn.
Có em nói với tôi chưa hình dung 3 ngày đi thi ở lại ra sao, nhưng nghe các anh chị khóa trước kể là chỗ tá túc ổn, mà đến thì không phải ổn mà là quá ổn. Các em tự tin hơn, tâm lý sẵn sàng hơn để đạt kết quả thi cử như mong muốn".
-----------------------------
Tiếp nhận đề thi từ nơi sao in, chuyến xe đặc biệt với sự hộ tống của cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi, rồi bàn giao ngay cầu cảng Sa Kỳ để lực lượng an ninh huyện tiếp tục hộ tống ra đảo Lý Sơn.
Kỳ tới: Cuộc hộ tống đặc biệt đề thi ra đảo Lý Sơn
TTO - Năm 2021 là mốc quan trọng của ngành giáo dục đảo Phú Quý, bởi lần đầu tiên thí sinh được dự thi tốt nghiệp THPT tại chỗ.
Xem thêm: mth.37960430280701202-nom-uv-touv-na-hnaht-oad-ax-hnis-coh-3-yk-teib-cad-iht-meid-gnuhn/nv.ertiout