Sự cố này xảy ra với anh N.T.N. - 27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp - vào lúc 22h30 ngày 8-7, khi tham gia tác nghiệp tại Trung tâm báo chí TP.HCM.
Anh N. lần lượt được bảo vệ của Trung tâm báo chí TP.HCM đưa cấp cứu tại Bệnh viện quận 1 cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện ĐH Y dược… nhưng tất cả đều không tiếp nhận.
Đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì bệnh viện đã đóng cửa. Sau hơn 1 tiếng rưỡi (0h ngày 9-7), anh N. mới được Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận, yêu cầu test nhanh có kết quả âm tính và được đưa vào cấp cứu. Sáng cùng ngày, anh N. cho biết sức khỏe đã ổn định.
Sáng 9-7, Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với các bệnh viện này. Ông Nguyễn Thành Tâm - giám đốc Bệnh viện quận 1 - cho biết cơ sở 2 của bệnh viện vừa mới đưa vào hoạt động, là nơi khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân ngoại trú, chưa có dịch vụ cấp cứu.
Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề trong tình trạng nguy cấp liệu có thể sơ cứu tạm thời cho người bệnh không, ông Tâm nói rằng giấy phép hoạt động của bệnh viện chỉ từ 7h sáng đến 19h tối, thời điểm bệnh nhân chuyển tới là lúc bệnh viện đã nghỉ nên không có nhân viên để sơ cứu. Sắp tới bệnh viện đang chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện để xin phép triển khai khám chữa bệnh nội trú.
Ông Nguyễn Đức Vũ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - cho biết bệnh viện đang bị phong tỏa toàn diện từ ngày 30-6 theo quyết định của UBND TP.HCM do liên quan đến nhiều ca mắc COVID-19 được phát hiện.
Bệnh viện hiện trong tình trạng "vườn không nhà trống". Do đó không thể tiếp nhận bất cứ đối tượng bệnh nhân nào vào cấp cứu, thăm khám và điều trị. "Đây là tình hình chung, điều không ai mong muốn. Việc ngưng hoạt động này đã được thông báo rộng rãi" - ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Hữu Lân - giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - khẳng định bệnh viện có khoa cấp cứu ngoại chẩn sẽ tiếp nhận điều trị bình thường tất cả các trường hợp nếu đến trong tình trạng cấp cứu.
Còn đến khám với tình trạng không liên quan đến hô hấp, không phải cấp cứu sẽ được hướng dẫn khám các chuyên khoa phù hợp. Ông khẳng định rằng đơn vị mở cửa cấp cứu 24/7, nếu ngoài giờ hành chính sẽ tiếp nhận ở cổng cấp cứu số 6.
Đại diện Bệnh viện ĐH Y dược chia sẻ thời gian qua bệnh viện buộc phải tạm thời ngưng nhận bệnh một số lần do xuất hiện những ca F0 bất ngờ.
Tại thời điểm mà bệnh nhân được chuyển tới cũng trùng lúc bệnh viện đang tạm ngưng nhận bệnh để điều tra, truy vết, cách ly các trường hợp liên quan đến một ca F0 vừa được phát hiện.
"Những lúc này nhân viên y tế sẽ giải thích để người bệnh hiểu, có thể chuyển qua một số bệnh viện khác để xử lý kịp thời, còn nếu tiếp nhận sẽ rất nguy hiểm cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện" - đại diện bệnh viện chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - nơi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân - cho biết trong bối cảnh hiện nay việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân đang là gánh nặng của rất nhiều cơ sở y tế.
Tuy vậy, với các trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, đơn vị vẫn bố trí nhân sự, cơ sở vật chất đầy đủ tiếp nhận xử lý kịp thời. Trước khi điều trị, bệnh nhân sẽ được chuyển qua khu khám sàng lọc, thực hiện đầy đủ các khâu khai báo, test nhanh COVID-19 để đảm bảo không lây nhiễm trong bệnh viện.
Bệnh viện không được từ chối nhận bệnh
Theo quy định, việc bệnh viện từ chối nhận cấp cứu người bệnh là vi phạm điều cấm Luật khám bệnh, chữa bệnh (khoản 1, điều 6: từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh).
Để đảm bảo cho tất cả người bệnh được cấp cứu kịp thời, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các bệnh viện bắt buộc phải hình thành buồng cấp cứu sàng lọc ngay tại khoa cấp cứu của bệnh viện, tách biệt hẳn với bộ phận còn lại của khoa cấp cứu.
Buồng này là nơi tiếp nhận đầu tiên đối với tất cả trường hợp người bệnh được chuyển đến khoa cấp cứu; đảm bảo tất cả trường hợp cấp cứu sau khi được sơ cứu hoặc hồi sức đều được sàng lọc kỹ các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo quy định khi có chỉ định.
Đối với người dân trong khu vực phong tỏa, Sở Y tế đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai, không để người bệnh trong khu vực phong tỏa không được điều trị, cấp cứu kịp thời hoặc bị gián đoạn chăm sóc với các bệnh lý mạn tính cần theo dõi thường xuyên định kỳ.
ÁI NHÂN - THU HIẾN
TTO - Vừa mang gánh nặng nhà trọ, bữa ăn, những bệnh nhân đang chạy thận càng kiệt quệ hơn trong đợt dịch thứ tư. Chi phí chạy thận, xét nghiệm COVID-19 chồng lớp lên nhau, nhiều người muốn bật khóc về những khoản lo sắp tới...