Hàng nghìn tấn hàng hóa thiết yếu vẫn được cung cấp hàng ngày
Báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 8/7, 3/3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, gồm Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.
Kết quả khảo sát thực tế tại 3 chợ này cho thấy, tổng lượng hàng về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh chợ khoảng 900 tấn/ngày đêm.
Hàng nghìn tấn hàng hóa thiết yếu vẫn được cung cấp cho TP Hồ Chí Minh dù không còn chợ đầu mối. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, qua trao đổi với Ban quản lý 3 chợ đầu mối, lượng hàng được các thương lái lớn bán qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn/ngày đêm.
Tính đến sáng 8/7, lượng hàng đạt 2.100 tấn/ngày đêm, giảm khoảng 34% so với con số 3.188,9 tấn của ngày 7/7.
Trong đó, nhóm mặt hàng thịt gia súc khoảng 300 tấn/ngày đêm, nhóm mặt hàng thủy hải sản khoảng 50 tấn/ngày đêm và nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây khoảng 1.750 tấn/ngày đêm.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y, số lượng lợn tiêu thụ trung bình khoảng 4.000 con/đêm, trọng lượng tương đương 300 tấn thịt.
Hàng không vào chợ, tập kết chủ yếu dọc theo hai bên các tuyến đường
Chợ đầu mối Hóc Môn, mặt hàng rau củ quả, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh theo hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen.
Hàng không vào chợ mà tập kết chủ yếu dọc theo 2 bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22 hướng từ ngã ba Chợ đầu mối về bến xe An Sương và ngược lại. Phương tiện vận chuyển từ tỉnh giao trực tiếp cho các đầu mối, sản lượng đêm 7/7 khoảng 550 tấn.
Tại chợ Đầu mối Thủ Đức, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh, bán trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh Chợ đầu mối, khu dân cư sau chợ, đường Ngô Chí Quốc sau chợ, đường Xa lộ Hà Nội gần chợ với sản lượng rau củ quả ước đạt 750 tấn.
Hiện các thương lái lớn tại chợ Bình Điền chuyển hình thức kinh doanh sang giao hàng trực tiếp. Một số thương lái tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh huyện Bình Chánh để giao/nhận hàng. Sản lượng rau củ quả khoảng 450 tấn, thủy hải sản khoảng 50 tấn.
Bộ Công Thương kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa và không để xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá. Ảnh minh họa.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đang có dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trước đó, vào chiều 7/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị và ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Ngày 8/7, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cũng đã ký công văn hỏa tốc gửi doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối đề nghị tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã bên cạnh các điểm bán hàng hiện có tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Như vậy, với sự chủ động vào cuộc trong việc bảo đảm cung cấp kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn khu vực miền Nam, Bộ Công Thương kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa và không để xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.290156190701202-oas-ar-gnu-gnuc-aoh-gnah-auc-gnod-iom-uad-ohc-3-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv