Hội nghị do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhận nhiều ý kiến góp ý để hướng tới mục tiêu bảo vệ người lao động - Ảnh: HÀ QUÂN
Ý kiến này được nêu tại hội nghị do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức chiều 9-7 ở Hà Nội.
Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và lao động Việt Nam đi làm nước ngoài là cơ sở pháp lý để xử lý những vi phạm, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người lao động.
Việt Nam đã ban hành Bộ luật lao động 2019, Luật đưa người đi lao động nước ngoài nên việc sửa đổi, bổ sung nghị định 28 trước đó rất cần thiết khi cụ thể hóa các hành vi vi phạm. Các hành vi phân biệt đối xử, vi phạm bình đẳng giới, quyền công đoàn tại cơ sở… có mức phạt tăng lên rất nhiều.
Chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Youngmo Yoon, nhấn mạnh việc tăng mức phạt để người sử dụng lao động nhận thức hành vi sai lệch, đảm bảo duy trì quyền cho người lao động. Tại Hàn Quốc, hành vi vi phạm quyền thương lượng tập thể có thể bị phạt tới 20 triệu won (khoảng 400 triệu đồng). Nhiều nước còn áp dụng mức phạt gấp nhiều lần mức lương tối thiểu.
Chuyên gia ILO Youngmo Yoon - Ảnh: HÀ QUÂN
Tuy vậy, vị này nhận định nhiều loại hành vi chỉ bị phạt xoay quanh mức 500.000 đồng không đủ răn đe người vi phạm. Chẳng hạn, vi phạm thử việc, phân biệt đối xử với lao động nữ… chỉ phạt 500.000 đến 1 triệu đồng.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định tình tiết tăng nặng cần xem xét, bổ sung hình phạt khác như tước chứng chỉ hành nghề, giấy phép… Điều này bảo đảm tính răn đe, hợp lý đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm.
Mức phạt 1 triệu đồng với người sử dụng lao động khi "không giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động" hay "không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh" cũng được cho là quá thấp.
Mức phạt trên chỉ như "muỗi đốt" với các doanh nghiệp, nhiều nơi sẵn sàng nộp phạt để tránh phải hỗ trợ lao động có con nhỏ hay "làm khó" nữ công nhân.
Cơ quan BHXH Việt Nam cho hay hành vi "lách luật" đóng bảo hiểm qua lập giao kết hợp đồng đào tạo, dạy nghề cũng nên bổ sung và xử phạt nặng.
Đại diện BHXH Việt Nam cho hay vi phạm đóng BHXH càng gia tăng thông qua việc chậm đóng, trốn đóng, đóng không đủ người, đóng không đủ thời gian… Một ví dụ cụ thể là qua việc thanh tra 100 doanh nghiệp thì chỉ có vài doanh nghiệp không vi phạm. Do vậy, đơn vị này đề nghị cần có chế tài cưỡng chế bổ sung như tạm giữ giấy phép kinh doanh bên cạnh xử phạt hành chính.
TTO - Chậm nhất 7-10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, các cơ quan, địa phương liên quan phải chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.