Ngày 9-7, tại khu vực quận 1, quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, không còn tình trạng người dân gom hàng thiết yếu, các điểm đang mở bán khá vắng khách.
Sẽ dần ổn định trong vài ngày tới
Các mặt hàng rau củ, trái cây bán tại các cửa hàng gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) giá đã hạ nhiệt đáng kể so với vài hôm trước. Cụ thể, dưa hấu dài 18.000 đồng/kg, cam sành 25.000 đồng/kg, chôm chôm 35.000 đồng/kg; các loại rau trái như: bầu bí, khổ qua từ 25.000-30.000 đồng/kg…
Khách hàng chọn mua thực phẩm chế biến sẵn tại siêu thị ở TP HCM. Ảnh: HUẾ XUÂN
Đối với mặt hàng thịt heo, hôm 8-7, nhiều nơi phải treo bảng "hết thịt". Thế nhưng, trưa 9-7, tại một cửa hàng thịt sạch gần chợ Tân Định (quận 1), nhân viên vẫn nhận đặt hàng và giao vào sáng hôm sau như thường lệ. Trong đó, các mặt hàng đang trong chương trình khuyến mãi 120.000 đồng/kg như: thịt vai, thịt đùi, thịt xay vẫn còn. Tương tự, tại cửa hàng thịt bò trên đường Mai Thị Lựu (quận 1), hàng đầy quầy nhưng không có người mua, chủ quầy thậm chí vào nhà làm việc riêng, bao giờ khách đến thì gọi.
Trong khi đó, đại diện chuỗi hệ thống cửa hàng Organic Food cho biết rau tươi về hằng ngày từ các trang trại ở Long An, Lâm Đồng bị kẹt ở Đồng Nai do tỉnh này cũng áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nên về trễ. Hiện tại, hệ thống vẫn đang trả nợ đơn hàng của khách đặt từ 2, 3 hôm trước nên phải tắt gian hàng trên một số ứng dụng như Grab, Tiki, Now, chỉ mở app riêng của doanh nghiệp (DN) để tránh bị khách phàn nàn vì giao trễ.
Theo các DN bán lẻ, sức mua sẽ giảm dần từ trưa 10-7, khả năng sẽ tiếp tục giảm trong ngày 11-7 và dần trở lại ổn định trong vài ngày tới. "Tình hình này cộng với việc khai thông đường đi của hàng hóa thì thị trường sẽ sớm ổn định. Mấy hôm nay, người tiêu dùng ùn ùn mua gom, mức tiêu thụ cao hơn cao điểm Tết nguyên đán nên hàng châm bao nhiêu hết bấy nhiêu, công ty phải cắt bớt sản lượng cho kênh online và các kênh khác để tập trung cho kênh phân phối hiện đại. Nhưng nay sức mua đã hạ nhiệt" - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt Trương Chí Thiện cho hay.
Vận chuyển hàng hóa vẫn chưa thông
Theo các DN, hiện các tỉnh đã hợp tác tháo gỡ ách tắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa đi/về TP HCM, cơ bản 80% vướng mắc đã được giải tỏa. Dù vậy, một vài địa phương vẫn áp dụng "luật" riêng, gây khó khăn cho phương tiện vận tải hàng hóa ra vào địa bàn, làm ảnh hưởng đến đường đi của hàng hóa về TP.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho hay xe đi Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liêu đôi khi bị yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 24 giờ (dù quy định chung là 72 giờ); một số chốt kiểm soát không đồng ý kết quả xét nghiệm nhanh mà yêu cầu phải là xét nghiệm RT-PCR.
"DN phải nói lại cho rõ, yêu cầu họ đưa ra văn bản quy định xét nghiệm RT-PCR thì họ mới cho qua trạm nhưng chậm chạp, ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng" - ông An thông tin.
Ông Trương Chí Thiện cũng cho biết rất căng thẳng vì nguyên liệu trứng gà, vịt chuyển từ trại nuôi ở Tiền Giang về nhà máy tại TP HCM gặp trục trặc. Địa phương đòi hỏi tài xế từ TP HCM về Tiền Giang lấy hàng phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính chứ không chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh trong khi phải mất 24-48 giờ mới có kết quả xét nghiệm RT-PCR.
"Tình huống xấu, các tài xế của công ty không kịp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR trong chiều 9-7 thì ngày 10-7 sẽ hụt hàng bởi trại ở Tiền Giang cung cấp khoảng 350.000-400.000 trứng, chiếm 50% lượng trứng tiêu thụ hằng ngày của Vĩnh Thành Đạt" - ông Thiện lo lắng.
Trước tình trạng này, các DN bán lẻ đã thay đổi vùng thu mua, cách mua, tăng điều chuyển hàng hóa trong hệ thống để bảo đảm đủ hàng phục vụ khách.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương cấp nhận diện bằng mã QR để làm giấy đi đường cho tài xế các phương tiện vận chuyển, TP HCM và các tỉnh, thành đang phối hợp thực hiện.
"Tuyến TP HCM - miền Tây Nam Bộ còn ách tắc có thể do việc triển khai QR code chưa đồng bộ, các cơ sở kiểm tra chưa cập nhật kịp… Chứng nhận âm tính với Covid-19 để đi đường là cần thiết nhưng cần thống nhất về thời gian có hiệu lực của kết quả xét nghiệm và yêu cầu xét nghiệm RT-PCR là hơi quá. Quan trọng hơn, trước khi áp dụng quy định gì, các địa phương cần thông báo quy trình đầy đủ để DN chủ động thực hiện nhằm bảo đảm hàng hóa lưu thông xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lẫn sản xuất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - ông Chu Tiến Dũng nêu quan điểm.
Ngày 10-7, các sở, ngành tại TP HCM tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông Vận tải cùng các tỉnh về vấn đề này.
Tiếp tục sản xuất, dự trữ hàng hóa thiết yếu
Các DN bình ổn thị trường TP HCM cho biết đã khá yên tâm trước những tín hiệu thị trường giảm nhiệt. Tuy nhiên, DN vẫn duy trì tăng ca sản xuất, bù đắp lượng tồn kho đã vơi đáng kể trong những ngày gần đây nhằm bảo đảm lượng hàng dự trữ, cung ứng theo chỉ đạo của UBND TP.
Các công ty cũng đã chủ động cấp "giấy đi đường" cho cán bộ, nhân viên và nhắc nhở nhân viên luôn mang theo giấy tờ tùy thân, thẻ nhân viên (nếu có) để phòng hờ tình huống các quận, huyện siết chặt quy định về giãn cách; bảo đảm nhân viên ở quận, huyện nào cũng có thể đến công ty làm việc. "Tôi đã triển khai tại công ty mình và nhắc các DN hội viên chú ý thực hiện" - ông Chu Tiến Dũng cho hay.
Xem thêm: mth.44675302290701202-gnaht-gnac-ioh-auq-ad-gnourt-iht/et-hnik/nv.moc.dln