Lô vắc xin loại Moderna đã về đến sân bay Nội Bài qua cơ chế COVAX - Ảnh: UNICEF
Theo USAID, việc chuyển giao số lượng lớn vắc xin (vaccine) do công ty Mỹ sản xuất như "một phần cam kết kiên định của chúng tôi trong việc phối hợp với các nước đối tác tại Đông Nam Á nhằm đối phó đại dịch COVID-19".
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh: "Chúng tôi tự hào hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch này và chúng tôi tin tưởng rằng phối hợp cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng COVID-19".
Hãng tin AFP trước đó dẫn lời một viên chức chính quyền Biden khẳng định, việc viện trợ vắc xin cho Việt Nam, nằm trong chiến lược nhằm "chấm dứt đại dịch ở mọi nơi", chứ không phải " ngoại giao vắc xin" để đối phó với Trung Quốc và Nga. Viên chức này nhấn mạnh Mỹ chia sẻ vắc xin mà không kèm theo điều kiện nào.
Theo thông cáo của UNICEF Việt Nam ngày 10-7, phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận lô vắc xin trên, ông Christopher Klein - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chia sẻ: "Lô vắc xin này mang đến cho chúng ta hy vọng về một hồi kết cho cuộc chiến chống COVID-19. Nó mang đến cho chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường".
Theo tổ chức UNICEF, Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 kể từ năm 2020. Tuy nhiên, do nguồn cung vắc xin hạn chế trên toàn cầu, tỉ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn ở mức thấp. Cho đến nay, chỉ khoảng 4% dân số đã được tiêm vắc xin trong khi số ca lây nhiễm đang tăng mạnh trong một vài tuần qua.
Ngoài lô vắc xin hôm nay, Việt Nam trước đó đã tiếp nhận 2.493.200 liều vắc xin AstraZeneca thông qua Cơ chế COVAX.
Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) đồng khởi xướng với UNICEF là đối tác triển khai chính.
Lô vắc xin loại Moderna đã về đến sân bay Nội Bài qua cơ chế COVAX - Ảnh: UNICEF
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố sẽ tặng 80 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho nhiều nước trên thế giới trước cuối tháng 6. Trong đó, 75% số vắc xin này sẽ được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX, và 25% còn lại dành cho các bên được ưu tiên và những bên khác.
"Mỹ sẽ là kho vắc xin trong cuộc chiến của chúng ta chống lại COVID-19, giống như Mỹ từng là kho vũ khí của nền dân chủ trong Thế chiến 2" - ông Biden phát biểu hồi đầu tháng 6-2021.
Chuyến hàng vắc xin Moderna là một phần trong số 80 triệu liều mà tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ viện trợ cho các nước, đặc biệt nhóm nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Malaysia đã nhận được 1 triệu liều từ Mỹ; 4 triệu liều khác sắp được giao cho Indonesia. Các nước khác trong khu vực trong danh sách chờ nhận vắc xin của Mỹ là Campuchia, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan.
Chính phủ Mỹ, thông qua USAID, đã đóng góp khoản ngân sách ban đầu trị giá 2 tỉ USD cho cơ chế COVAX. COVAX đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam 4,1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19.
Trong một công bố cách đây 4 ngày, USAID cho biết: "Chúng tôi dựa trên nền tảng mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực y tế để giúp tăng cường năng lực của Việt Nam trong ứng phó đại dịch COVID-19".
Theo đó, Mỹ đã đóng góp hơn 13 triệu USD để giúp Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bao gồm hỗ trợ trong các lĩnh vực giám sát ca bệnh, củng cố hệ thống phòng xét nghiệm, an ninh/an toàn sinh học, quản lý và hoạt động trong các tình huống khẩn cấp, đào tạo và phát triển nhân lực, các bệnh có nguồn gốc từ động vật, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, truyền thông về các mối nguy cơ và huy động sự tham gia của cộng đồng.
TTO - Nhà Trắng ngày 3-6 công bố chiến lược chia sẻ vắc xin COVID-19 toàn cầu, bao gồm kế hoạch phân phối 25 triệu liều đầu tiên ra khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Xem thêm: mth.9391817001701202-man-teiv-ned-ev-ad-gnat-ym-nix-cav-ueil-ueirt-2/nv.ertiout