Lực lượng chức năng tại chốt cầu An Phú Đông, quận Gò Vấp kiểm tra người dân ra đường không thật sự cần thiết - Ảnh: MINH HÒA
Ngoài 12 chốt chính tại các cửa ngõ TP.HCM, cơ quan chức năng cũng lập nhiều chốt tại các tuyến đường chính để kiểm soát người dân ra đường với lý do không chính đáng. Nhiều người viện lý do đi mua thực phẩm, khám bệnh... để được qua chốt đã bị yêu cầu quay lại.
Vậy, người dân ra đường có mục đích chính đáng phải chứng minh cách nào?
Khó khăn khi chứng minh vi phạm
Luật sư Đặng Ngọc Thanh - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng để xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân thì người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được cá nhân đó đã thực hiện hành vi vi phạm trên thực tế. Và ngược lại, nếu không chứng minh được có vi phạm hành chính trên thực tế thì không thể xử phạt.
Mặt khác, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị xử phạt, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đưa ra nguyên tắc cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Và đối với quy định trên, người dân cũng rất khó khăn trong việc chứng minh mình ra ngoài là trường hợp thật sự cần thiết vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể người dân cần phải mang theo những gì khi ra đường, trường hợp này nên cũng rất dễ bị xử phạt.
Nên có giấy xác nhận khi ra đường mùa dịch?
Dưới quan điểm cá nhân, luật sư Thanh hiến kế để giúp chính quyền kiểm tra xử lý đối với người đi ra ngoài không thực sự cần thiết và giúp cho người dân chứng minh việc đi ra ngoài là cần thiết.
Trên địa bàn mỗi phường đều đã có tổ khu phố, mỗi chung cư đều có ban quản trị thì đối với những trường hợp cần thiết phải đi ra ngoài nên xin cấp một giấy xác nhận, phiếu đi mua hàng hóa lương thực, thực phẩm của UBND phường, của ban quản trị nếu là cư dân ở chung cư.
Còn những người làm việc tại các doanh nghiệp, tại các cơ quan, tổ chức khác được phép hoạt động theo chỉ thị số 16 cần mang theo giấy đi đường, hay giấy thông hành, giấy công tác, thẻ nhân viên, căn cước công dân…
Luật sư Thanh cũng khuyến nghị rằng trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, người dân cần phải chung tay tiếp sức với chính quyền, cần phải tuân thủ các mệnh lệnh hành chính.
Điều này cho thấy ý thức tự giác chấp hành của người dân cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng, đồng thời là lá chắn trong phòng chống dịch COVID-19.
Quận 1 giúp dân đi chợ
Nhằm hỗ trợ người dân thực hiện tốt chỉ thị số 16 cũng như hạn chế ra đường, Văn phòng UBND quận 1 đã thực hiện chuyển hóa ứng dụng "GOBUS - GO (away) COVID" trên điện thoại thông minh để giúp người dân tiện theo dõi bản đồ dịch tễ và cung cấp các địa điểm bán hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực thực phẩm trên địa bàn quận như địa chỉ, thông tin danh mục bán hàng, trang web...
Đồng thời, Quận đoàn quận 1 triển khai đội hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ" giúp người dân mua hàng hóa mang đến tận nơi cho người dân trong 2 giờ thông qua đường dây nóng 028.3825.1861
Chính quyền không 'canh me' xử phạt
Theo ông Nguyễn Đông Tùng - chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, việc triển khai các chốt kiểm soát, tổ xử lý lưu động không nhằm mục đích "canh me" người vi phạm để xử lý, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.
"Việc lập các chốt, tổ xử lý không nhằm mục đích "canh" người dân để xử phạt. UBND quận đã quán triệt lực lượng xử lý phải mềm mỏng tuyên truyền, ứng xử khéo với người dân. Nhưng với những trường hợp cố tình vi phạm như đi tập thể dục, ra đường không lý do chính đáng là phải xử lý nghiêm".
Bắt đầu từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
TTO - Trường hợp một người bán thịt ở TP.HCM tự mua dụng cụ test nhanh và phát hiện mắc COVID-19, gọi báo Trạm Y tế đang rất được quan tâm. Trong điều kiện quá tải xét nghiệm, có thể mua test nhanh và tự xét nghiệm tại nhà?