vĐồng tin tức tài chính 365

Thương mại điện tử: Ai kê khai thuế, kê khai thuế cho ai?

2021-07-10 11:35

Thương mại điện tử: Ai kê khai thuế, kê khai thuế cho ai?

Trương Trọng Hiểu (*)

(KTSG) - Cuộc tranh luận về quy định kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử vẫn tiếp diễn ngay cả khi đại diện của các cơ quan quản lý thuế đã lên tiếng. Dù cho những giải thích về cách thức tiếp cận và cơ sở định hình các nghĩa vụ pháp lý được đưa ra khá hợp lý thì những ý kiến đó vẫn không thể nào thay thế cho các quy định thể hiện trong các văn bản pháp luật.

Cuộc tranh luận về quy định kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử vẫn tiếp diễn ngay cả khi đại diện của các cơ quan quản lý thuế đã lên tiếng. Ảnh minh họa: DNCC

Từ cổ chí kim, các quy định pháp luật thiếu hợp lý, hay đơn giản chỉ là thiếu rõ ràng hoặc mâu thuẫn với văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, xuất hiện không thiếu. Cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, việc đó cũng không đến mức tạo ra nguy hiểm cực độ vì nó có thể được thay đổi, và đặc biệt là nếu việc sửa đổi pháp luật diễn ra kịp lúc và kịp thời. Điều quan trọng là, khi thay đổi, nếu các luân lý pháp luật xương sống tiếp tục bị lãng quên thì mong muốn tạo ra các quy định có tính kích ứng tốt khó có thể đạt được.

Bao lâu nay, cơ sở quan trọng để nhà nước ghi nhận nghĩa vụ thuế đối với dân chúng là gì?

Ai chịu thuế, ai nộp thuế?

Có hai khái niệm cần phải nhắc đến để có thể dễ dàng xác định ai là người phải nộp thuế, là thuế trực thu hay là thuế gián thu.

Trong thuế trực thu, người chịu thuế chính là người phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.

Ngược lại, đối với thuế gián thu, người nộp thuế và người chịu thuế là khác nhau. Khi đó, người chịu thuế không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trước cơ quan thuế mà nghĩa vụ này được thực hiện bởi... người nộp thuế.

Trong số các sắc thuế đang được áp dụng hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng... thuộc nhóm thuế gián thu. Thuế này được tính trên sản phẩm và vì vậy được cấu thành vào giá bán. Điều đó có nghĩa, người mua hàng ngoài việc trả cho người sản xuất, người bán tiền mua sản phẩm, còn phải trả thêm tiền thuế. Người sản xuất, bán hàng sẽ phải nộp thuế cho nhà nước.

Nguy hiểm là, nếu đặt nghĩa vụ nộp thuế thay cho sàn TMĐT thì điều gì sẽ xảy ra với các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam? Giải quyết vấn đề này, Thông tư 40/2021/TT-BTC quay trở lại với các luân lý của thuế nhà thầu.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là điển hình tiêu biểu cho thuế trực thu. Doanh nghiệp có thu nhập (lợi nhuận trước thuế) sẽ trực tiếp thực hiện kê khai, nộp thuế cho nghĩa vụ thuế của mình.

Về bản chất, thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trên thu nhập của doanh nghiệp, nên không có liên quan gì đến người tiêu dùng. Nhưng suy cho cùng, thuế cũng là chi phí thuế. Để bù đắp cho gánh nặng thuế, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để đẩy khoản chi phí thuế lên giá của hàng hóa. Người tiêu dùng vì thế dễ trở thành bên liên can, và còn là bên cuối cùng chịu sự tác động của thuế.

Đương nhiên, việc đẩy thuế làm tăng giá bán nhiều khi có tác dụng ngược, vì người tiêu dùng khi đó có thể chọn cách... quay lưng. Nhưng thuế là thuế chung, nên các doanh nghiệp hầu như sẽ có cách nghĩ chung và làm chung.

Ai phải nộp thuế thay?

Xin tiếp tục câu chuyện bằng thuế thu nhập cá nhân. Về bản chất, đây cũng là loại thuế trực thu nên người nộp thuế vẫn chính là người chịu thuế - là người có thu nhập thuộc trường hợp phải nộp thuế.

Tuy nhiên, để bảo toàn thuế, Nhà nước đặt ra quy định thu thuế trước. Cụ thể, bên trả thu nhập cho cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế vào ngân sách nhà nước ngay lúc trả thu nhập. Đặc biệt, việc này được thực hiện cho mỗi lần phát sinh thu nhập chứ không cộng dồn để thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế một lần.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, bên trả thu nhập cho cá nhân chỉ thực hiện thao tác “khấu trừ” thuế để nộp về Kho bạc Nhà nước chứ họ không có nghĩa vụ nộp thuế. Nghĩa vụ nộp thuế vẫn thuộc về cá nhân có thu nhập bị khấu trừ thuế. Vì lẽ đó, việc kê khai hoàn thuế khi kết thúc năm tài chính là công việc của cá nhân nộp thuế. Họ có quyền từ bỏ quyền lợi và không thực hiện công việc này. Bên trả thu nhập cũng có thể đứng ra quyết toán thuế thay cho cá nhân đó. Nhưng, họ chỉ có thể thực hiện được việc đó nếu có sự ủy quyền của cá nhân nộp thuế.

Một ví dụ tương tự khác là thuế nhà thầu. Về bản chất, nghĩa vụ thuế thuộc về tổ chức, cá nhân ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam. Nhưng rõ ràng, việc “thu” thuế và việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân này là rất khó. Bên trả thu nhập ở Việt Nam vì vậy được quy định là bên khấu trừ và nộp thuế thay cho họ.

Việc này được thực hiện đúng vào thời điểm mà bên đối tác ở Việt Nam chuyển tiền thanh toán cho bên nước ngoài. Cũng tương tự trường hợp ở trên, đây là trường hợp mà bên đối tác ở Việt Nam làm thay công việc của bên chịu thuế và có nghĩa vụ nộp thuế. Bên đối tác ở Việt Nam không liên quan, không hưởng lợi và cũng không chịu mất mát gì về khoản thuế này. Bên đối tác nước ngoài có thắc mắc về thuế thì họ trực tiếp liên hệ với cơ quan thuế.

Trước đây, việc thực thi sắc thuế nhà thầu xuất phát từ lý do và cũng được sự hỗ trợ rất lớn từ quy định quản lý ngoại hối. Việc thanh toán thu nhập cho đối tác nước ngoài dù muốn dù không cũng phải được thanh toán qua ngân hàng, và đây là chốt chặn để thu thuế. Thời gian gần đây, với sự phát triển của các phương thức thanh toán trực tuyến, việc thanh toán thu nhập dễ dàng nhảy thẳng vào tài khoản của bên đối tác ở nước ngoài. Rào cản ngoại hối vì vậy khó có thể được lý giải cho việc chặn và thu thuế nhà thầu.

Nhưng có một điểm chung dễ nhận thấy giữa thuế thu nhập cá nhân và thuế nhà thầu (cũng bao gồm cả thuế thu nhập) là điểm chặn “thu nhập” để thu thuế. Hay nói cách khác, để bảo đảm an toàn thuế, luật thuế đã quy định trách nhiệm nộp thay thuế của bên nắm giữ thu nhập trả thuế. Việc tiếp tục gọi tên bên trả thu nhập sau khi thu nhập đã được chuyển trả là phi lý và không còn thuyết phục. Hay nói cách khác, theo cách diễn ngôn theo nhà luật học nổi tiếng H. L. A. Hart, dân chúng dễ có thể nhận thêm trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người khác nhằm bảo đảm an toàn thuế nhưng sẽ khó lòng bỏ công làm việc đó chỉ để việc thu thuế của nhà nước được nhẹ nhàng và thảnh thơi hơn.

Sàn thương mại điện tử: nộp thay như một... nghĩa vụ?

Việt Nam lâu nay tuyệt đối trung thành với các tiếp cận này khi xác định nghĩa vụ thuế và đối tượng nộp thuế. Đây cũng là cách mà các nước lẫn các quy tắc thuế quốc tế sử dụng, đặc biệt là để tránh đánh trùng thuế và cũng là cách để quản lý cơ sở thuế một cách hiệu quả.

Chỉ mới đây, việc định vị người nộp thuế hay người kê khai, nộp thuế thay được tranh luận trở lại sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC. Theo đó, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được liệt kê là một trong số những chủ thể thực hiện việc kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn của mình (điều 8.1.đ). Nội dung quy định đã khẳng định rõ, đây là công việc mà các sàn làm thay cho các cá nhân là đối tác kinh doanh của mình. Nhưng vấn đề được đặt ra là, lý do nào để các sàn phải làm công việc đó?

Thực ra, tiếp cận này đã được ghi nhận và trên thực tế đã áp dụng đối với taxi công nghệ sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5-12-2020. Tuy nhiên, cơ sở quan trọng có thể được viện dẫn để lý giải cho quy định này là các chủ ứng dụng taxi công nghệ là bên quản lý giá, kiểm soát hoạt động kinh doanh và nắm doanh thu trước khi “trả cước” đúng về túi của tài xế.

Theo cách tiếp cận hiện thời, các ứng dụng công nghệ cũng được xem là sàn TMĐT. Nhưng ngoài các “sàn” kiểu mới này, còn có các sàn TMĐT truyền thống khác. Theo quy định của pháp luật lẫn thực tế, việc bán hàng của cá nhân trên các sàn TMĐT “cũ” gần như là “việc riêng” của cá nhân kinh doanh. Nếu kê khai, nộp thuế thay, sàn TMĐT giờ có cần “can thiệp” sâu hơn hay chỉ cần nhận doanh thu và... chuyển trả thuế?

Không cần phải bàn cãi về nghĩa vụ cung cấp thông tin của sàn TMĐT. Vì nếu cần, khi được cơ quan thuế yêu cầu, sàn thương mại hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có trách nhiệm thực hiện công việc đó, và đương nhiên đối với những thông tin mà họ biết, họ có. Công việc đó khác với việc kê khai và nộp thuế như là một nghĩa vụ dù là nghĩa vụ làm thay. Cho nên, nghĩa vụ cung cấp thông tin không thể là cơ sở để ghi nhận nghĩa vụ nộp thuế thay của sàn TMĐT.

Nguy hiểm là, nếu đặt nghĩa vụ nộp thuế thay cho sàn TMĐT thì điều gì sẽ xảy ra với các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam? Giải quyết vấn đề này, Thông tư 40/2021/TT-BTC quay trở lại với các luân lý của thuế nhà thầu. Theo đó, bên đối tác Việt Nam tiếp tục thực hiện công việc này thay cho “nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài” (điều 8.1.d).

Chỉ có điều, quy định quên trả lời câu hỏi, cá nhân kinh doanh ở Việt Nam bán hàng trên các sàn nước ngoài tự khai thuế hay để các sàn kê khai, nộp thay cho họ? Dễ để hiểu rằng, quy định còn buộc được họ nộp thay được cho “sàn” thì huống hồ gì nghĩa vụ thuế đối với chính họ. Nhưng nhìn lại, phải chăng sàn TMĐT trong nước đang bị đè thêm gánh nặng, và như vậy thì liệu rằng họ có giảm bớt đi đôi phần công lực để cạnh tranh với sàn nước ngoài?

Sẽ hợp lý hơn nếu việc kê khai, nộp thuế của sàn TMĐT là công việc tự nguyện, và có thể diễn ra xuất phát từ mối quan hệ ủy quyền giữa sàn và cá nhân kinh doanh trên sàn. Nhưng câu chuyện ủy quyền mang tính nội bộ này cũng đã được nhắc đến ở một quy định sau đó trong Thông tư 40/2021/TT-BTC (điều 8.3).

Cho nên, có thể hiểu rằng, quy định về kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT được thảo luận nãy giờ thuộc trường hợp khác, và được liệt kê như một nghĩa vụ mặc nhiên. Ít ra thì chính cách thức quy định thiếu rõ ràng và dứt khoát có thể tạo ra cách hiểu đó. Mà một khi được xem là nghĩa vụ mặc nhiên thì liệu các sàn TMĐT có thể lấy phí làm thay?

Việc này cũng tương tự như việc đặt ra nghĩa vụ khấu trừ, nộp thuế thay của các ngân hàng thương mại đối với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoạt động TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam trong Luật Quản lý thuế 2019. Chỉ có điều, những lý lẽ để thuyết phục việc áp đặt nghĩa vụ đó là không chắc chắn, và vì vậy được dự báo là khó có thể được thực thi thông suốt nếu vẫn chưa có sự hiệu chỉnh kịp thời.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

Xem thêm: lmth.ia-ohc-euht-iahk-ek-euht-iahk-ek-ia-ut-neid-iam-gnouht/950813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thương mại điện tử: Ai kê khai thuế, kê khai thuế cho ai?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools