- Trung Quốc: Bất kì nỗ lực phá hoại quan hệ với Nga đều sẽ thất bại
- Vừa áp trừng phạt, ông Biden bày tỏ muốn cải thiện quan hệ với Nga
- Tổng thống Putin kỳ vọng vào lời hứa của ông Trump về cải thiện quan hệ với Nga
Bối cảnh mới, ưu tiên mới
Một cách ngắn gọn, xu hướng toàn cầu hóa - đa cực hóa thế giới đang thúc đẩy tiến trình xây dựng lại một trật tự thế giới mới, mở ra cho nước Nga những cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới và đòi hỏi ưu tiên mới về mặt an ninh - quốc phòng.
Nước Nga xác định: Sự bất ổn và chủ nghĩa cực đoan ngày càng xuất hiện rõ rệt. Một số nước sử dụng các công cụ cạnh tranh không lành mạnh như các biện pháp bảo hộ và các biện pháp trừng phạt, cả trong lĩnh vực tài chính và thương mại. Trong khi đó, các lực lượng thuộc khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày càng tiến gần biên giới của Nga, đe dọa an ninh quốc gia Nga.
Nga hướng đến mở rộng hợp tác chiến lược với Ấn Độ và Trung Quốc. |
Bất ổn địa chính trị và xung đột gia tăng, kèm theo đó là mâu thuẫn giữa các quốc gia cùng các nguy cơ sử dụng vũ lực, trong khi các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế bị suy yếu, thậm chí bị phá hủy. Cũng không thể không nhắc đến âm mưu bóp méo lịch sử, phủ nhận vai trò lịch sử của Nga, hạ uy tín của Nga bằng cuộc chiến thông tin, nỗ lực phục hồi chủ nghĩa phát-xít, kích động xung đột sắc tộc và tôn giáo; hạn chế sử dụng tiếng Nga, gây khó khăn cho công dân Nga sống ở nước ngoài.
Đặc biệt, bên cạnh các yếu tố liên quan đến lợi ích cốt lõi, hệ giá trị truyền thống, tư tưởng và bản sắc văn hóa Nga ấy, còn phải kể đến những thách thức và đe dọa an ninh phi truyền thống như tình hình dịch bệnh, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh sinh học... Đó đều là những thực tế đáng báo động, can hệ đến sự tồn vong chung của cả nhân loại, chứ không chỉ riêng quốc gia nào.
Nước Nga đưa ra thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ trong bản Chiến lược an ninh quốc gia mới. |
Do đó, bản Chiến lược an ninh quốc gia mới của nước Nga vẫn nhấn mạnh 2 ưu tiên chiến lược chính, là: “Quốc phòng” cùng với “an ninh quốc gia và an ninh xã hội”, đồng thời bổ sung các ưu tiên chiến lược mới.
Về lợi ích quốc gia, Nga đặt nguồn lực con người ở vị trí trung tâm, hàng đầu, nhấn mạnh đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia của công dân Nga ở trong nước cũng như nước ngoài; coi trọng an ninh thông tin; nhấn mạnh giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, bảo tồn các di sản văn hóa và lịch sử của người dân Nga; coi phát triển kinh tế trên cơ sở công nghệ mới là động lực phát triển đất nước. Trong khi đó, Điện Kremlin tiếp tục khẳng định: Tiềm lực quốc phòng là then chốt; đảm bảo an ninh kinh tế là cấp thiết; duy trì ổn định chiến lược, củng cố hòa bình và an ninh, nền tảng pháp lý của quan hệ quốc tế.
Ở lĩnh vực hợp tác quốc tế, Nga nhấn mạnh về sự ổn định của hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc an ninh phổ quát, bình đẳng và không thể chia cắt, đề cao hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc. Nga cam kết sử dụng các biện pháp chính trị để giải quyết xung đột, những cũng sẵn sàng áp dụng "các biện pháp đối xứng và bất đối xứng" nhằm đáp trả những động thái không thân thiện.
Thông điệp cứng rắn gửi đến phương Tây
Được công bố trong lúc Biển Đen đang dậy sóng bởi cuộc tập trận thường niên của NATO mang tên Sea Breeze và chính nước Nga cũng có những động thái đáp trả - như cuộc tập trận tàu ngầm ở độ sâu hơn 500m của Hạm đội Phương Bắc tại các khu vực Biển Barents và Biển Na Uy hay chuyện khinh hạm của hải quân Nga phóng thử tên lửa siêu thanh Tsirkon - rõ ràng, ngay trong bản Chiến lược an ninh quốc gia mới, Moskva cũng gửi đến Mỹ và phương Tây những thông điệp không thể bị hiểu nhầm.
Biến đổi khí hậu và đại dịch toàn cầu là những thách thức chung đối với mọi quốc gia. |
Tất cả những trục chính trong văn bản dài 44 trang đó đều có liên quan đến các động thái mà nước Nga xem là thù địch của phương Tây, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị và quân sự. Nói cách khác, mối quan hệ Nga - phương Tây phủ cái bóng của mình lên mọi thách thức mà nước Nga đang phải đối diện.
Về mặt kinh tế, khi nước Nga xác định tiếp tục giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế; thiết lập điều kiện phù hợp để kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao hơn tốc độ trung bình toàn cầu; đồng thời đặt mục tiêu giảm sử dụng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương, có thể thấy Nga đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những đợt trừng phạt hay những lệnh cấm vận mới, trong khi gấp rút củng cố không gian kinh tế truyền thống và xây dựng những mối liên kết mới, mà phương Tây không phải là đối tác quan trọng nữa. Điều này là bất khả kháng và nhiều khả năng vẫn sẽ gây ra những khó khăn cho nền kinh tế Nga, khi toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu.
Cuộc tập trận Sea Breeze của NATO - động thái tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng. |
Về mặt văn hóa - tư tưởng, Nga nhận diện rõ những mối đe dọa của thời đại công nghệ, mà trong đó các cuộc chiến tranh tâm lý mỗi lúc một trở nên khốc liệt, với sự biến chuyển dữ dội ở không gian mạng - nơi tiếng nói của một vị Tổng thống Mỹ như Donald Trump cũng dễ dàng bị dập tắt dưới quyền uy và luật chơi riêng của các đại gia công nghệ (Apple, Facebook, Google, Amazon hay Twitter...). Điện Kremlin xác định mục tiêu tập trung bảo vệ các giá trị đạo đức, văn hóa, lịch sử và tư tưởng quốc gia song song với tăng cường an ninh mạng, hiển nhiên là để đối đầu với những âm mưu “tiến đánh” nước Nga trên mặt trận này, được thực hiện nhằm áp đặt hệ giá trị phương Tây.
Chính vì thế, về ngoại giao, bên cạnh nỗ lực tăng cường ổn định hệ thống pháp luật quốc tế nhằm ngăn chặn hệ thống này đổ vỡ hoặc bị làm cho suy yếu hay bị áp dụng và diễn giải theo những cách có chủ ý, Nga chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ - những trung tâm quyền lực quốc tế mới. Trong Chiến lược an ninh quốc gia phiên bản năm 2021, nước Nga đặc biệt coi trọng hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ cùng các quốc gia anh em trong không gian hậu Xôviết. Ngược lại, Moskva không đặt kỳ vọng vào hợp tác với phương Tây, thậm chí không còn đề cập đến xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), như đã từng nêu trong phiên bản năm 2015.
Sau cùng, để ngăn chặn những hành động không thân thiện từ các nhân tố muốn đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Nga, tiềm lực quốc phòng vẫn được xác định là thứ công cụ răn đe hữu hiệu nhất. Bản Chiến lược an ninh quốc gia mới một lần nữa tô đậm trạng thái căng thẳng trong mối quan hệ Nga - phương Tây suốt 7 năm qua, mức thấp nhất trong quan hệ ngoại giao kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Các hoạt động quân sự gần đây cho thấy các bên không ngừng thăm dò khả năng chống trả cũng như “lằn ranh đỏ” của đối phương. Sau sự vụ tàu khu trục Defender của hải quân Anh trên Biển Đen, Nga tuyên bố nếu sự việc tương tự tiếp diễn và phương Tây cố tình phớt lờ những cảnh báo, quân đội Nga sẽ không chỉ ném bom trên đường đi của tàu mà sẽ tấn công thẳng vào mục tiêu. Giới quân sự Nga cho biết đang ghi nhận hoạt động quân sự chưa từng có của NATO gần biên giới Nga, gây ra rủi ro lớn về an ninh và tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Sự vụ tàu HMS Defender của Anh - “phép thử phản ứng” trên “lằn ranh đỏ”. |
Ngược lại, NATO khẳng định cách tiếp cận song phương đối với Nga theo phương châm “phòng thủ mạnh mẽ kết hợp với đối thoại”. Về phần mình, EU từ chối tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Nga và tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Moskva. Điện Kremlin phân tích: Đức và Pháp đang cố gắng thiết lập một "giai điệu mới" trong đối thoại với Nga, tuy nhiên, họ "đang va vào một bức tường mù mịt", đó là sự không sẵn lòng bình thường hóa quan hệ với Moskva của các thành viên mới gia nhập EU. Trong khi đó, bất chấp những nỗ lực nối lại đối thoại, "Moskva đang phải đối mặt với nỗ lực áp đặt một số chương trình nghị sự từ NATO, hơn nữa, dưới hình thức tối hậu thư" và điều này khiến “đối thoại không thể xảy ra”.
Xu thế đối đầu Nga - phương Tây hiện nay khó có thể đảo chiều và chắc chắn là những hành động “nắn gân” nhau sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian tới. Tuy vậy, giới quan sát vẫn tin rằng các bên vẫn đủ tỉnh táo để kiểm soát tình hình, không cho phép nổ ra những cuộc xung đột “nóng” mang tính “lưỡng bại câu thương”. Hơn cả, không chỉ Nga hay phương Tây, những thách thức phi truyền thống mà bản Chiến lược an ninh quốc gia mới đã nhắc đến thực sự là những mối đe dọa toàn cầu, đòi hỏi việc các cường quốc phải có thiện chí hợp tác cùng nhau.
Xét cho cùng, biến đổi khí hậu hay đại dịch COVID-19 mới là những thách thức lớn nhất và gian nan nhất.
Mây LinhXem thêm: /609846-od-hnar-nal-gnuhn-nert-agN-irt-aig-eH/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna