Từ 9-7, TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, UBND TP.HCM cũng có lệnh cấm bán thức ăn mang về.
Kể từ thời điểm này, các hoạt động thiện nguyện phát cơm cho người nghèo, các bếp ăn từ thiện cũng phải tuân thủ việc giãn cách, không tụ tập đông người. Một số điểm phát cơm cho người nghèo băn khoăn không biết có tiếp tục được phát cơm tại chỗ, hay được đi phát cơm cho người nghèo nữa hay không.
PLO đã có trao đổi với bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, về vấn đề này.
Siêu thị nghĩa tình ở TP Thủ Đức là một trong những mô hình mà MTTQ TP Thủ Đức tổ chức để hỗ trợ người dân trong khu cách ly. ẢNH: T.T
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết đến thời điểm này, TP.HCM không có chủ trương ngừng các hoạt động chăm lo, thiện nguyện để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo khó.
Bà nhấn mạnh: “TP không có chủ trương nào kêu dừng, cấm việc nấu ăn để hỗ trợ người nghèo cả”.
Theo bà Hương, đây là thời điểm TP thực hiện Chỉ thị 16, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên việc tụ tập đông người là sai với quy định giãn cách. Nhiều bếp ăn cũng đã ngưng phát cơm, phần vì sợ người dân đến nhận cơm sẽ tập trung đông người; hoặc nếu di chuyển xuống tận nơi phát thì cũng vi phạm về viêc di chuyển, tiếp xúc giữa người này với người kia.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM mong muốn các bếp ăn, các điểm phát thức ăn thiện nguyện có thể phối hợp cùng với hệ thống Mặt trận các cấp phường, xã, thị trấn hay các quận, huyện để cùng nhau thực hiện.
Theo bà, việc kết hợp với hệ thống Mặt trận các cấp sẽ giúp cho các bếp ăn, điểm phát cơm từ thiện có một “tấm vé thông hành” khi TP bước vào cao điểm thực hiện giãn cách.
“Nếu mọi người làm tự phát, tự tổ chức nấu và mang đi phát hay phát tại chỗ thì sẽ không có ai đảm bảo được; trong khi mọi người đang làm việc tốt, chia sẻ gánh nặng với người nghèo.
Các điểm phát cơm, bếp ăn từ thiện muốn mở cửa để nấu cho người nghèo, chúng tôi luôn hoan nghênh; nhưng hãy báo với Mặt trận ở cấp đó rằng hôm nay sẽ nấu và phát, số lượng bao nhiêu. Mặt trận sẵn sàng hỗ trợ bằng nhiều phương thức, huy động lực lượng thanh niên, đoàn viên, hội viên mang thức ăn xuống cho người dân hoặc tổ chức phát tại chỗ nhưng sẽ có hướng dẫn người dân lên lấy cơm theo từng giờ, từng đợt, đảm bảo quy định phòng dịch”.
Thành viên đội cơm di động miễn phí trao cơm cho hai cụ bà bán vé số trên đường vào ngày 5-7, trước thời điểm TP áp dụng Chỉ thị 16 . ẢNH: NGỌC LÀI.
Bà Hương nhận định sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau của người dân TP trong thời điểm này là rất quý, UBMTTQ TP.HCM rất mong sẽ là cầu nối để lan tỏa tình cảm này của người dân đến với nhau. Chính vì vậy, bà mong mỏi các điểm thiện nguyện có thể kết hợp với Mặt trận để được hoạt động một cách chính danh, không gặp khó trong quá trình phát, đưa thức ăn tới với người dân nghèo.
“Hệ thống Mặt trận địa phương sẽ giúp các bạn xác định rõ ràng với các cấp chính quyền là các bạn đi ra đường là đang làm việc cần thiết, có sự xác nhận của nơi bạn sẽ đến. Họ sẽ biết được các bạn ra ngoài để chia sẻ với người khó khăn, để không bị bắt lỗi là đi ra ngoài không có lý do”- bà nói.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cũng nhấn mạnh các cá nhân, tổ chức muốn ủng hộ rau, củ quả, nhu yếu phẩm thì cứ liên hệ với hệ thống Mặt trận để biết rằng ai đang thiếu, ai đang cần. Vì hệ thống Mặt trận sẽ biết, nắm rõ nhà nào khó khăn, khu nào là khu có nhiều người lao động cần được giúp đỡ.
Bà Phan Kiều Thanh Hương thông tin hiện nay, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM đã chi 3,9 tỉ đồng để kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người khó khăn, người bị kẹt lại TP không có tạm trú, thiếu bữa ăn trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mỗi phần nhu yếu phẩm sẽ có giá trị 300.000 đồng/người.
Đồng thời, UBMTTQ TP cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát kĩ những người yếu thế, hộ khó khăn bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn không thuộc các nhóm sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 09 để UBMTTQ Việt Nam TP có ý kiến, đề xuất mức hỗ trợ.