vĐồng tin tức tài chính 365

Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc lên mức kỷ lục

2021-07-10 19:52

Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc lên mức kỷ lục

Khánh Lan

(KTSG Online) – Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc ghi nhận hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 116 tỉ nhân dân tệ (18 tỉ đô la Mỹ), mức cao kỷ lục trong giai đoạn 6 tháng đầu của bất kỳ năm nào trước đây, theo dữ liệu thống kê của Công ty Dịch vụ thông tin Tài chính Internet Shanghai DZH.

Với tốc độ vỡ nợ nhanh chóng như vậy, Shanghai DZH dự báo tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ trong năm 2020 có thể vượt qua kỷ lục 187 tỉ nhân dân tệ trong năm 2020.

Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc ghi nhận hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 116 tỉ nhân dân tệ (18 tỉ đô la Mỹ), mức cao kỷ lục trong giai đoạn 6 tháng đầu của bất kỳ năm nào trước đây. Ảnh: Nikkei Asian Review

Phá bỏ tâm lý ỷ lại

Một hiện tượng đáng chú ý trong làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp hiện nay ở Trung Quốc là ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước (SOE) vỡ nợ và đó có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đi ngược lại với niềm tin bấy lâu nay của các SOE và giới đầu tư, rằng chính phủ sẽ giải cứu họ nếu họ lâm vào khó khăn tài chính.

Trong nhiều thập kỷ qua, các SOE ở Trung Quốc nhận được sự bảo đảm ngầm định của chính quyền địa phương và trung ương cho các khoản nợ của họ, nhưng giờ đây, họ không thể mặc nhiên được nhà nước hỗ trợ nữa, theo Shinichi Seki, nhà kinh tế ở Viện Nghiên cứu Nhật Bản.

Trong năm 2019, các SOE chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu, tỷ lệ này tăng vọt lên gần 50% trong năm 2020. Trong năm nay, các SOE có thể chiếm đến khoảng 40% số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Năm ngoái, một loạt SOE bất ngờ vỡ nợ như hãng chip Tsinghua Unigroup, hãng ô ô Brilliance Auto Group, tập đoàn Điện lực và than Yongcheng, gây rúng động giới đầu tư. Tsinghua Unigroup vỡ nợ hồi cuối năm ngoái vì liên tiếp không thể thanh toán các khoản nợ trái phiếu định danh bằng đô la.

Hôm 9-7, Tsinghua Unigroup thông báo Ngân hàng Huishang, một trong những chủ nợ của Tsinghua Unigroup, đã yêu cầu tòa án ở Bắc Kinh xem xét mở thủ tục phá sản đối với hãng này vì không trả nợ đúng hạn.

Hồi tháng 2, một tòa án ở Trung Quốc đã cho phép tập đoàn tư nhân khổng lồ HNA Group làm thủ tục phá sản thông qua tiến trình tái cấu trúc nợ. Hồi tháng 3, hãng hàng không Tianjin Airlines, một công ty được thành lập bởi HNA Group và chính quyền TP Thiên Tân, cũng làm thủ tục phá sản.

Naoto Saito, Giám đốc nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Daiwa, cho biết các SOE ở Trung Quốc ngồi trên đống nợ với ảo tưởng nhà nước sẽ không bao giờ để họ vỡ nợ. Tuy nhiên, các mối lo ngại về tâm lý ỷ lại của doanh nghiệp khiến chính phủ Trung Quốc bắt tay cải cách.

Một loạt vụ vỡ nợ của các SOE lớn trong những năm qua cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm phá bỏ tâm lý ỷ lại bằng cách chấm dứt sự bảo hộ của nhà nước đối với các SOE nợ đầm đìa và cho phép họ phá sản.
Chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên giảm núi nợ ở khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc huy động vốn để mở rộng kinh doanh và có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những năm tới.

Lưu lượng tín dụng (credit impulse) đo tăng trưởng dòng vốn cho vay theo tỷ lệ phần trăm của GDP, được xem là chỉ số về lập trường chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc, đang suy giảm. Chỉ số này thường tăng khi Trung Quốc theo đuổi lập trường chính sách ủng hộ tăng trưởng và giảm khi nước này cắt giảm các biện pháp kích thích.

Chỉ số này chững lại sau khi lập đỉnh ở mức 32% GDP vào tháng 11-2020, và rơi xuống mức 25% GDP trong tháng 5, thấp nhất kể từ tháng 2-2020.

Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đang chịu áp lực lớn về vấn đề thanh khoản do nợ nần quá lớn. Ảnh: Yicaiglobal

Hàng loạt vụ vỡ nợ của các SOE Trung Quốc cũng gây tổn thương cho mức tín nhiệm nợ của các doanh nghiệp tư nhân. Trong tháng 6,  cả Fitch Ratings lẫn Moody's đều hạ bậc tín nhiệm nợ của Evergrande, tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất của Trung Quốc. Động thái này khiến lợi suất một số trái phiếu của Evergrande tăng vọt lên mức hơn 20%. Hồi cuối tháng trước, Evergrande cho biết tổng nợ chịu lãi suất của tập đoàn này đã giảm về mức 570 tỉ nhân dân tệ (88,2 tỉ đô la) từ mức 716,5 tỉ nhân dân tệ vào cuối năm 2020.

Các công ty Trung Quốc sẽ đối mặt với bài sát hạch lớn về sức khỏe tài chính trong 2 năm tới, với 2.140 tỉ đô la trị giá trái phiếu đáo hạn vào năm 2023.

Giới đầu tư tháo chạy

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực loại bỏ các SOE gánh nhiều nợ mà không gây biến động nghiêm trọng trên các thị trường tài chính thông qua một chiến dịch giảm nợ có sự tính toán. Nhưng giới đầu phản ứng bằng cách tháo chạy khỏi các trái phiếu doanh nghiệp hạng rác (dưới mức khuyến nghị đầu tư)

Nếu điều này dẫn đến sự thắt chặt tín dụng đối với nhiều doanh nghiệp, nền kinh tế Trung Quốc có thể chịu tác động nặng nề, làm chệch hướng cho chiến lược “hạ cánh mềm” của Bắc Kinh, tức giảm tăng trưởng dần dần và hướng đến sự ổn định.

Một giám đốc quỹ ở một công ty đầu tư nước ngoài nói rằng ông sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc có mức tín nhiệm thấp.

Các khoản nợ trái phiếu mất khả năng thanh toán đang khiến giới đầu tư nước ngoài bất an và đẩy lợi suất trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc xuống mức tín nhiệm thấp tăng nhanh.

Lợi suất trung bình của các trái phiếu bị xếp hạng dưới mức khuyến nghị đầu tư của các doanh nhiệp Trung Quốc đang tăng mạnh, lên mức 10,1%/năm vào hôm 15-6, lần đầu tiên vượt 10% trong 13 tháng qua, theo Intercontinental Exchange.  Trong khi đó, lợi suất trung bình của các trái phiếu như vậy trên toàn cầu nằm dưới mức 5%/năm.

“Nếu số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, dẫn đến lợi suất trái phiếu tăng cao hơn nữa và các tác động sâu rộng hơn trên các thị trường, chính phủ Trung Quốc sẽ bắt đầu cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các SOE nợ nhiều”, ông Naoto Saito dự đoán.

Sức khỏe tài chính của tập đoàn Suning, nhà bán lẻ hàng gia dụng và điện tử hàng đầu Trung Quốc, từng gây sự chú ý trên toàn cầu vào năm 2016 bằng thương vụ thâu tóm CLB bóng đá Inter Milan (Ý),  xấu đi nhanh chóng do vay nợ để mở rộng kinh doanh ồ ạt trong những năm gần đây.

Giới đầu tư ngày càng lo lắng về khả năng trả nợ của công ty Suning. Theo S&P Global Ratings, vào cuối quí 3 năm ngoái, Suning nợ hơn 6,6 tỉ đô la, trong đó, 2/3 là các khoản nợ ngắn hạn. S&P Global Ratings lưu ý mảng kinh doanh trực tuyến của Suning chỉ có biên lợi nhuận rất mỏng, trong khi đó, doanh thu từ hệ thống cửa hàng trực tiếp của công ty bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Suning cho biết công ty có thể chịu mức lỗ ròng trong nửa đầu năm 2020 lên đến 3,2 tỉ nhân dân tệ (gần 500 triệu đô la) do doanh số trong quí 2 giảm 1/3 so với cùng năm ngoái.

Cuối cùng, hôm 5-7, Suning được giải cứu khỏi cơn túng quẫn tài chính sau khi một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Ủy ban Quản lý tài sản Nhà nước Nam Kinh và tỉnh ủy Giang Tô đồng ý chi 1,36 tỉ đô la để mua 16,96% cổ phần của Suning. Nhóm nhà đầu tư này còn có sự góp mặt của Alibaba, Midea Group, Haier Group, Xiaomi và Zhang Jindong TCL. Technology Group. Sau thương vụ, tỉ phú Zhang Jindong, người đồng sáng lập Suning, không còn là cổ đông lớn nhất ở tập đoàn này.

Theo Nikkei Asian Review

Xem thêm: lmth.cul-yk-cum-nel-couq-gnurt-o-peihgn-hnaod-ueihp-iart-on-ov/912813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc lên mức kỷ lục”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools