Về đích nông thôn mới năm 2015 là thành quả của khát vọng thoát nghèo từ bao đời của người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An). Vươn lên làm giàu từ cây chè đặc sản và thế mạnh nông nghiệp, miền quê vùng tả ngạn sông Lam đã thực sự đổi thay.
Xã miền núi Hùng Sơn ngày nay là một bức tranh tươi sáng. Nhiều ngôi nhà hai, ba tầng bên những con đường rộng bằng bêtông, những đồi chè xanh mướt nhấp nhô trải dài ngút tầm mắt bên dòng sông Lam uốn lượn như một dải lụa xanh. Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hoá 100%. Mỗi xóm đều có nhà văn hoá đa năng, sân thể thao.
Phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển mạnh, tình làng nghĩa xóm và tình đoàn kết tôn giáo được thắt chặt. Toàn xã có gần 1.000 hộ với hơn 4.200 nhân khẩu, đến nay thu nhập bình quân của người dân đạt 53 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân của tỉnh.
Tỉ lệ hộ nghèo còn 1,2% và không có hộ đói. Nhiều hộ đã mua sắm ôtô và các vật dụng đắt tiền khác phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình. Việc chỉnh trang vệ sinh môi trường ở các xóm theo hướng xanh - sạch - đẹp - sáng. Mục tiêu 100% đường làng, ngõ xóm có điện chiếu sáng và trồng cây, hoa dọc hai bên đường đang được thực hiện.
Ông Võ Văn Hiền (giờ là Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Sơn) - người gắn bó với các phong trào của xã từ những thập niên 80 của thế kỷ trước - nhớ lại: Là xã miền núi nghèo nằm ở vùng tả ngạn sông Lam, do hệ thống đường giao thông quá yếu kém nên Hùng Sơn giống như một vùng biệt lập, đặc biệt là về mùa mưa lại càng khó khăn.
Cả xã không có học sinh nào học hết cấp 2, nhiều người phải rời bỏ quê hương để tìm nơi sinh sống. Lãnh đạo xã cũng trăn trở, lặn lội tìm nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nhưng vào những năm 90, Hùng Sơn vẫn luẩn quẩn trong vòng nghèo khó.
Năm 2000, thực hiện chủ trương của huyện Anh Sơn về phát triển cây chè, nhận thấy đây là cơ hội tốt giúp xã vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình, ông Hiền (lúc này là Chủ tịch Hội Nông dân xã) dẫn đầu 120 người đến Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) 1 ở xã Long Sơn để tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng chè. Sau 4 năm, 27ha chè được trồng tại xã phát triển tốt, cho năng suất cao và lợi nhuận gấp 2 lần cây lúa.
Đến nay, toàn xã có 600ha chè, hơn 10.000 tấn chè các loại được tiêu thụ, doanh thu đạt gần 40 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Thuận - hộ trồng chè thôn Quang Tiến - tâm sự: "Trồng chè đầu tư không lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa và một số cây trồng khác, thu hoạch quanh năm, chưa bao giờ phải "giải cứu".
Giám đốc HTX Chè xanh Minh Sáng Trần Thị Lý cũng chia sẻ: "Chúng tôi trồng chè theo tiêu chuẩn sạch, không phun thuốc kích thích, được sao tẩm theo bí quyết riêng với công nghệ cao, hương vị chè đậm đà, đặc biệt nên sản phẩm chè của chúng tôi được khách hàng khắp nơi tin dùng".
Ngoài trồng chè, xã còn phát triển 600ha keo và 150ha mía. Chỉ tính riêng chè và mía, mỗi năm xã có thu nhập gần 100 tỉ đồng. Một trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao do tập đoàn Mavin (Úc) đầu tư cung cấp khoảng 500.000 con lợn giống đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của xã có thu nhập ổn định.
Thành công đã khẳng định hướng đi đúng của xã. Để sớm đưa Hùng Sơn trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Anh Sơn vào cuối năm 2021, nhân dân và cán bộ xã đang tích cực hoàn thành mục tiêu 3Đ: Đường - đập - điện.
Đồng thời, một hướng đi mới được mở ra cho địa phương là tập trung phát triển kinh tế bền vững, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, tham quan ngắm cảnh vùng đồi trồng chè.
Xem thêm: odl.562929-nas-cad-ehc-yac-ut-iom-noht-gnon-gnas-meid-hnaht-ort/et-hnik/nv.gnodoal