Sở Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế liên quan về việc tăng cường hiệu quả kiểm soát tình hình dịch bệnh trong giai đoạn TP đang thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó, yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp khống chế các ổ dịch trong cộng đồng, tăng cường phát hiện sớm và tiến hành xử lý cho nguồn bệnh ẩn, hạn chế lan truyền trong cộng đồng.
Xét nghiệm đúng trọng tâm, phát huy test nhanh
Theo đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh TP.HCM (HCDC) phối hợp với Viện Pasteur, Trung tâm Công nghệ truyền thông của Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm y tế đánh giá các vùng dịch tễ dựa trên các số liệu các ca bệnh. Cạnh đó, lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch và phân vùng nguy cơ tại các quận, huyện, từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm; quyết định khu vực nào cần phong tỏa, khu vực nào cần xét nghiệm tầm soát diện rộng để phát hiện ổ dịch tiềm ẩn và ngăn chặn, xử lý kịp thời, ngăn chặn bệnh dịch phát tán.
Để tăng cường tốc độ và chất lượng truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực nguy cơ cao tìm kiếm nguồn lây, các trung tâm y tế tổ chức các nhóm dịch tễ phối hợp với lực lượng công cụ truy xuất nhanh từ các trường hợp F0. Từ đó, tìm kiếm tất cả F1 trong thời gian sớm nhất để cách ly ngay, thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (test nhanh) và mẫu đơn RT-PCR.
Nếu test nhanh dương tính, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR, khẩn trương điều tra các trường hợp tiếp xúc gần để tiếp tục chuyển cách ly, xét nghiệm sớm.
Tại các ổ dịch trên địa bàn (khu vực nguy cơ rất cao), thực hiện test nhanh đồng thời xét nghiệm (mẫu gộp 5) phạm vi tổ dân phố, mở rộng đến khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty... Nếu test nhanh dương tính, thực hiện ngay xét nghiệm mẫu đơn RT-PCR và điều tra tiếp các trường hợp tiếp xúc gần để chuyển cách ly, xét nghiệm kiểm tra sớm.
Việc xét nghiệm tầm soát cộng đồng theo trọng tâm, trọng điểm (khu vực nguy cơ cao, khu vực có nguy cơ) bằng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình. Căn cứ tình hình diễn biến dịch tễ địa phương để tổ chức các đội lấy mẫu, sau đó tổ chức lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu tại các phòng xét nghiệm theo chỉ đạo của Trung tâm Điều phối lấy mẫu, xét nghiệm TP.
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 diện rộng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trả kết quả RT-PCR mẫu gộp trong 24 giờ
Về việc điều phối mẫu xét nghiệm, cần linh hoạt giữa các phòng xét nghiệm để đảm bảo trả kết quả mẫu gộp trong vòng 24 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu.
Các phòng xét nghiệm phải có thời gian cam kết trả kết quả, không sử dụng cơ sở xét nghiệm trong trường hợp kết quả trả lời không đúng thời gian cam kết. Tổ chức xét nghiệm phát hiện sàng lọc nguồn lây nhiễm mạnh bằng test nhanh (mẫu gộp) tại các khu vực lây nhiễm cao, khu công nghiệp; tổ chức lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại chỗ (theo từng hộ gia đình, cụm dân cư) đảm bảo giãn cách xã hội.
Tùy theo nhu cầu sử dụng test nhanh, Sở Y tế sẽ cân đối phân bổ cho các địa phương theo nguồn cung của các công ty, trung bình 120.000-150.000 mẫu/ngày (mỗi quận, huyện trung bình 5.000 – 6.000 mẫu/ngày, các đơn vị nếu có nhu cầu nhiều hơn liên hệ HCDC để được phân bố hợp lý.) Do đó, các đơn vị cần sử dụng hợp lý và hiệu quả test nhanh (khu vực phong tỏa ở khu dân cư, ổ dịch ở các công ty...).
Tầm soát trong cộng đồng bằng lấy mẫu gộp 10 theo đại diện hộ gia đình. Mỗi hộ dưới 5 người chọn đại diện một người thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, hộ từ 5 người trở lên chọn đại diện hai người để lấy mẫu. Số lượng mẫu ở các quận, huyện do Trung tâm Điều phối lấy mẫu, xét nghiệm của TP dựa trên các vùng nguy cơ và tùy theo tổng công suất xét nghiệm RT-PCR của các đơn vị trong TP.
Lặp lại xét nghiệm loại bỏ nguồn lây
Sở Y tế đề nghị cần lặp lại xét nghiệm tầm soát để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng.
Ở khu vực phong tỏa, cần xét nghiệm lặp lại mỗi 2-3 ngày/lần. Ở khu vực có nguy cơ cao, xét nghiệm lặp lại mỗi 5-7 ngày/lần.
Việc tổ chức lấy mẫu ở cộng đồng và khu công nghiệp phải đảm bảo yêu cầu giãn cách và 5K, tổ chức nhiều điểm với quy mô nhỏ, theo khung giờ. Không tập trung đông người để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Ở những vùng lõi của khu vực phong tỏa, nên lấy mẫu ở hộ gia đình để tránh lây nhiễm cho cộng đồng vì giai đoạn này có nhiều ca bệnh. Tuy nhiên, theo Sở Y tế, giải pháp này đưa đến công suất lấy mẫu sẽ giảm vì thời gian di chuyển, do đó các địa phương cần yêu cầu Trung tâm Điều phối lấy mẫu, xét nghiệm của TP bổ sung nguồn lực dự bị trong trường hợp phát sinh nhiều ổ dịch. Cũng có thể tùy theo điều kiện thực tiễn của địa phương mà triển khai các giải pháp khả thi hơn như mời từng hộ ra khu vực lấy mẫu theo thứ tự: các hộ có nguy cơ ra trước, hộ có nguy cơ rất cao ra sau cùng, khuyến cáo hạn chế tối đa mời nhiều hộ ra cùng lúc.