Một chiếc ôtô bị cháy rụi gần đồn cảnh sát Petionville - nơi đang giam giữ các nghi phạm trong vụ ám sát Tổng thống Moise, ở Petionville, ngoại ô thủ đô Port-au-Prince hôm 9-7 - Ảnh: AFP
Ngày 10-7, Haiti đề nghị Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ) điều động binh sĩ tới hỗ trợ nước này bảo vệ các cảng, sân bay và nhiều cơ sở hạ tầng chiến lược sau khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát tại nhà riêng.
Nhờ Mỹ và LHQ giúp
Theo Bộ trưởng Bầu cử Haiti, ông Mathias Pierre, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph đã nhờ Mỹ hỗ trợ an ninh trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
"Chúng tôi cho rằng bọn đánh thuê có thể phá hủy một số cơ sở hạ tầng để gây hỗn loạn trong nước", ông Mathias Pierre giải thích lý do nhờ Mỹ giúp.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều xác nhận đã nhận được yêu cầu "hỗ trợ an ninh và điều tra" từ quốc gia vùng Caribe. Họ cho biết các quan chức Mỹ đang liên lạc với Haiti nhưng không nói binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai tới Haiti hay không.
Trước đó, khoảng hai ngày sau khi ông Moïse bị ám sát tại nhà riêng rạng sáng 7-7, Nhà Trắng thông báo sẽ cử nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các quan chức khác tới hỗ trợ Haiti sớm nhất có thể.
Trong lá thư của Văn phòng Thủ tướng lâm thời Joseph gửi LHQ hôm 7-7, Haiti cũng yêu cầu LHQ điều động binh sĩ "để hỗ trợ các nỗ lực của cảnh sát quốc gia nhằm tái thiết an ninh và trật tự công cộng trên toàn lãnh thổ Haiti".
Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc cảnh sát LHQ tới Haiti cần phải có sự thông qua của Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên.
Cho tới lúc này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp liên quan vụ ám sát Tổng thống Moïse, như ai đã lên kế hoạch cuộc tấn công và động cơ vụ ám sát là gì.
"Người nước ngoài tới Haiti để gây ra tội ác này. Người dân chúng tôi kinh sợ. Chúng tôi cần biết ai đứng sau vụ việc" - một người dân ở thủ đô Port-au-Prince nói với Hãng tin AFP.
Theo cảnh sát Haiti, một nhóm sát thủ gồm 28 tay súng mang quốc tịch Colombia và Mỹ đã thực hiện vụ ám sát Tổng thống Moïse, nhưng họ vẫn đang truy tìm những kẻ chủ mưu.
"Ông Moïse có rất đông kẻ thù. Người ta có thể suy đoán theo nhiều hướng khác nhau" - ông Laurent Dubois, một chuyên gia về Haiti tại Đại học Virginia (Mỹ), bình luận.
Khủng hoảng nhân đạo
Báo Financial Times nhận định một viễn cảnh u ám bao trùm Haiti - quốc gia đang chứng kiến tình trạng bất ổn chính trị, nghèo đói, trong khi xung đột băng đảng ngày càng tồi tệ.
Theo ông Bruno Maes, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Haiti, quốc gia vùng Caribe này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong nhiều năm do tình trạng bạo lực giữa các băng đảng, thiếu thốn thực phẩm và nhiên liệu, số ca bệnh COVID-19 tăng vọt.
"Số người cần hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức hiện nay là 1,1 triệu người. Chúng tôi không thể sử dụng con đường chính dẫn tới phía nam Haiti để tiếp cận người dân vì các nhóm vũ trang đang kiểm soát. Do đó, chúng tôi phải dùng máy bay trực thăng" - ông Bruno Maes cho biết.
Sau 3 ngày thủ đô Port-au-Prince tê liệt vì vụ ám sát, người dân đã dần trở lại các con phố tại đây. Các cửa hàng mở cửa, các phương tiện vận tải công cộng hoạt động lại.
Theo Hãng tin AFP, người dân Haiti đã đổ xô tích trữ nhu yếu phẩm tại các siêu thị và xếp hàng mua khí đốt propane để nấu ăn vì lo ngại tình trạng bất ổn kéo dài.
"Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai hoặc ngày sau đó. Tôi đang chuẩn bị cho những ngày tồi tệ phía trước" - bà Marjory, một cư dân ở Port-au-Prince, nói với AFP trong lúc cùng chồng đi mua nhu yếu phẩm.
Bạo lực băng đảng cũng nóng trở lại trong ngày 9-7. Các cuộc đụng độ giữa các nhóm đã làm tê liệt một con đường lớn.
Trước vụ ám sát ông Moïse, Haiti đã rơi vào khủng hoảng. Ông Moise không tổ chức bầu cử kể từ lúc lên nắm quyền hồi đầu năm 2017 và quốc gia này không có quốc hội kể từ tháng 1-2020. Tổng thống Moïse đã điều hành đất nước bằng sắc lệnh suốt một năm qua.
Hiện tại có vẻ như các nước lớn trên thế giới không muốn can thiệp vào tình hình Haiti. Sau 13 năm hoạt động, phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Haiti đã kết thúc sứ mệnh hồi năm 2017 dù chưa thể mang lại ổn định lâu dài cho Haiti.
"Cần quốc tế can thiệp nhanh chóng"
Báo Washington Post cho rằng vụ ám sát Tổng thống Moïse đã khiến Haiti - một trong những quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu - có nguy cơ rơi vào tình trạng vô chính phủ.
"Sự can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ từ quốc tế là điều cần thiết" - tờ Washington Post bình luận.
Tuy nhiên, theo như bình luận của Hãng tin AP, Mỹ khó có thể triển khai quân đội tới Haiti như một số dự đoán.
Ông Biden sẽ không thể phớt lờ tình hình Haiti, song việc đổ quân can thiệp trong bối cảnh đang rút quân khỏi Afghanistan sẽ khiến ông khó giải trình với dân Mỹ và đó sẽ là điều ông luôn né tránh.
TTO - Chính quyền Haiti yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ), Mỹ gửi binh lính đến để giúp đảm bảo an ninh cho nước này, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng quan trọng, sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise.
Xem thêm: mth.69000302201701202-itiah-auc-tim-om-ial-gnout/nv.ertiout