Chiều 10/7, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Lê Hoà Bình đã chủ trì buổi họp báo về tình hình và công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là công tác chăm lo cho người nghèo , mất việc làm do Covid-19.
40.000 LAO ĐỘNG TỰ DO, 20.000 NGƯỜI BÁN VÉ SỐ DẠO ĐÃ NHẬN ĐƯỢC HỖ TRỢ
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Lê Minh Tấn, TP.HCM có 230.000 lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, 80.000 lao động mất việc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người, các hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc quận 12 và các khu phong toả khác được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.
Tính từ ngày 6/7/2021 đến nay, Thành phố đã hỗ trợ cho trên 40.000 lao động tự do , 20.000 người bán vé số dạo trên địa bàn.
Hơn 40.000 lao động tự do, 20.000 người bán vé số dạo trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã nhận được hỗ trợ.
Về hàng ngàn trường hợp lao động tự do khác chưa được hỗ trợ, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết: những lao động tự do được hỗ trợ phải là người cư trú hợp pháp tại địa phương, có đăng ký tạm trú và được công an xác nhận.
Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM xem xét giải quyết cho những lao động tự do chưa nhận được hỗ trợ do còn thiếu giấy đăng ký tạm trú. Đồng thời, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM cũng lưu ý các chủ nhà trọ phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người thuê trọ.
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Phan Kiều Thanh Hương, cho biết, từ ngày 20/3/2020 - 9/7/2021, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố đã tiếp nhận số tiền hơn 912,7 tỷ đồng, gồm 765 tỷ đồng tiền mặt và 147,65 tỷ đồng hàng hóa và trang thiết bị. Quỹ ủng hộ mua vaccine Covid-19 cũng tiếp nhận ủng hộ hơn 281,5 tỷ đồng.
Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố đã chi 3,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu (300.000 đồng/phần) cho người yếu thế, hộ khó khăn trong giai đoạn áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, MTTQ TPHCM đã chi mức 100.000.000 đồng/quận cho các quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11 và Phú Nhuận; 200.000.000 đồng/quận huyện cho các quận 6, 8, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và các huyện. Riêng Thành phố Thủ Đức được chi 500.000.000 đồng.
KHÔNG ĐỂ TÌNH TRẠNG ÙN Ứ RÁC THẢI TẠI CÁC KHU CÁCH LY
Liên quan việc xử lý rác thải y tế tại các khu cách ly, khu phong toả được người dân phản ánh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng, cho biết: tổng số chất thải mỗi ngày từ 128 các khu cách ly, bệnh viện điều trị là 42 tấn. Ngành Tài nguyên - Môi trường Thành phố đã căn cứ vào tình hình rác thải của từng khu vực để sắp xếp thời gian, tần suất thu gom sao cho hợp lý, tránh tình trạng ùn ứ rác thải. Sở đã bố trí trên 40 phương tiện để vận chuyển lượng chất thải này về địa điểm xử lý, huy động hơn 200 công nhân kịp thời thực hiện thu gom.
Sở đã bố trí trên 40 phương tiện để vận chuyển lượng chất thải từ các khu cách ly, bệnh viện và huy động hơn 200 công nhân thực hiện thu gom rác về địa điểm xử lý.
Xác định công nhân thu gom, xử lý rác thải là một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đợt tiêm vaccine Covid-19 vừa qua, Sở đã đưa toàn bộ công nhân vào danh sách tiêm chủng. Đồng thời, triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn phòng, chống dịch cho lực lượng lao động này.
Liên quan đến những vấn đề tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, theo Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh TP.HCM Lê Xuân Thế cho biết, Bộ Tư lệnh tham mưu Ủy ban nhân dân TP.HCM thành lập Ban giám đốc tại khu cách ly với nhiều lực lượng tham gia như Công an, y tế, Thông tin truyền thông, Tài nguyên môi trường,… nhằm điều hành các khu cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tại khu cách ly tập trung, 1 người sẽ phục vụ cho 20 người cách ly với nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo trật tự, tuyên truyền, phục vụ các nhu yếu phẩm,…
LẬP BIÊN BẢN XỬ LÝ 203 TRƯỜNG HỢP VI PHẠM
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM đã tái lập 12 trạm kiểm soát chốt chặn cấp Thành phố, 266 chốt cấp quận huyện đã được thiết lập trên toàn Thành phố.
Thống kê đến 12h trưa ngày 10/7, các chốt kiểm soát đã kiểm tra 51.890 phương tiện các loại và hơn 33.000 người. Các địa bàn có phương tiện lưu thông nhiều là quận Bình Thạnh, quận 7 và Thành phố Thủ Đức. Địa bàn nhiều vi phạm gồm quận 6, quận 10, quận 12.
Trong 2 ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cơ quan chức năng đã kiểm tra lập biên bản xử lý 203 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 841 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, kinh doanh các mặt hàng đã bị tạm dừng.
Liên quan đến tình hình 12 trạm, chốt kiểm soát tại các cửa ngõ Thành phố, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP.HCM Nguyễn Văn Bình cho biết, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra việc đeo khẩu trang, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trung tá Nguyễn Văn Bình lưu ý, người dân khi qua các chốt trên phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, khai báo y tế điện tử.
Riêng người dân có việc ra khỏi nhà phải mang theo các loại giấy tờ theo luật giao thông đường bộ (bằng lái, giấy đăng ký xe), Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, thẻ cán bộ, nhân viên, giấy công tác,…
Minh Tâm
VnEconomy
Xem thêm: nhc.29990428111701202-ort-oh-coud-ad-oad-os-ev-nab-od-ut-gnod-oal-00006-noh-mchpt/nv.zibefac