Chiều 11-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Lãnh đạo TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.
TP.HCM đã đi đúng hướng, hiệu quả bước đầu
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là một quyết định khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự ủng hộ đồng thuận của người dân, qua ba ngày triển khai, biện pháp này đang có hiệu quả bước đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC
Tuy nhiên, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh vẫn tồn tại một số hạn chế, lúng túng, Thủ tướng mong muốn nhân dân cùng chia sẻ với TP.HCM và với Chính phủ.
Khẳng định TP.HCM đã đi đúng hướng và quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng mục tiêu ưu tiên cao nhất phải là bảo vệ tính mạng của nhân dân. “Không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm; quyết tâm không để cuộc sống người dân đảo lộn nhiều” – Thủ tướng nói và cho biết cả nước vẫn đang mong chờ, tin tưởng và hướng về TP.HCM cùng vượt qua đại dịch.
Trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý TP.HCM cần bình tĩnh, xem xét mọi tình huống để đưa ra quyết định sáng suốt; càng khó khăn càng phải giữ vững nguyên tắc đoàn kết, thống nhất, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện. Các biện pháp phòng chống dịch phần nhiều là chưa có tiền lệ, vì vậy phải căn cứ diễn biến thực tế của dịch bệnh để điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền vận động doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành, chia sẻ với TP; tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân trong và ngoài nước. Phải xem khó khăn, thách thức lần này là cơ hội để trưởng thành, để khẳng định mình từ các cấp cơ sở.
Đồng tình với các biện pháp mà TP đang triển khai, ông Phạm Minh Chính đề nghị TP thực hiện tốt hơn nữa, kịp thời hơn nữa công tác chăm lo cho các đối tượng khó khăn, người lao động mất việc, người dân nghèo… TP cần thiết lập các kênh tiếp nhận kiến nghị, đề xuất, cứu trợ; dứt khoát không được bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ nào trên địa bàn.
TP cần Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; chỉ đạo quyết liệt trong công tác cứu chữa cho bệnh nhân; tăng cường trang thiết bị, nguồn nhân lực trong cấp cứu, nhất là các ca bệnh nặng; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho lực lượng tuyến đầu.
Trong công tác tiêm vaccine và cung cấp vaccine, Thủ tướng cho biết Trung ương tiếp tục ưu tiên khoảng hơn 25% tổng số lượng vaccine cho TP.HCM nhưng TP cần lưu ý về hiệu quả triển khai chứ không nên chạy theo tốc độ, số lượng; triển khai tiếp cận vaccine cần bình đẳng với mọi người dân theo thứ tự ưu tiên mức độ nguy cơ của các vùng, địa điểm, không để xảy ra tiêu cực gây mất trật tự an toàn xã hội.
Các cấp các ngành của TP cần kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt và nghiêm túc kiểm điểm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh; chống dịch hiệu quả để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; sản xuất kinh doanh phải trong điều kiện đảm bảo an toàn với dịch bệnh.
Cuối cùng, ông khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành và hỗ trợ TP.HCM trong mọi tình huống.
TP.HCM: 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới
Trước đó, báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết trong thời gian tới TP sẽ tập trung 5 giải pháp trọng tâm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại buổi họp. Ảnh: TTBC
Thứ nhất, về tổ chức xét nghiệm: Các cơ quan chức năng sẽ lên phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm và quyết định khu vực nào cần phong tỏa, khu vực nào cần xét nghiệm tầm soát diện rộng…; tổ chức các đội điều tra dịch tễ truy vết nhanh các trường hợp F0, tìm kiếm tất cả F1 trong thời gian sớm nhất; thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm (mẫu gộp 5) ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố…
Đồng thời, lực lượng chức năng tầm soát cộng đồng trọng tâm, trọng điểm bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình và đảm bảo trả kết quả mẫu đơn trong vòng 12 giờ, mẫu gộp trong vòng 24 giờ; lặp lại xét nghiệm tầm soát để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng (khu vực phong tỏa 2-3 lần/ngày; khu vực có nguy cơ cao 5-7 lần/ngày).
Thứ hai, về điều trị: Tiếp tục kế hoạch ứng phó của khối điều trị khi TP có 20.000 trường hợp nhiễm COVID-19, chuẩn bị phương án cho 50.000 giường điều trị COVID-19.
Thứ ba, về tiêm vaccine: Sẽ mở chiến dịch tiêm 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong vòng 2-3 tuần, được triển khai đến TP Thủ Đức và các quận – huyện với 312 phường xã.
Thứ tư, đảm bảo việc vừa cách ly vừa sản xuất: Thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm hàng ngày tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; cập nhật đánh giá an toàn lên bản đồ chung sống an toàn với COVID-19. Tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly…
Thứ năm, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người nghèo, người yếu thế: Vận hành hiệu quả đường dây nóng cứu trợ để chăm lo chu đáo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian TP áp dụng Chỉ thị 16…