vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng không được ép khách mua bảo hiểm!

2021-07-12 09:06

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm tại đơn vị; xử lý nghiêm trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm các loại không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng; bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân đúng quy định.

Không mua bảo hiểm thì không giải ngân!

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều khách hàng từng vay vốn tại các NH thương mại cho biết rất khó xử khi được cán bộ tín dụng "mời" mua bảo hiểm vì không có nhu cầu.

Anh Trần Phong (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết cách đây không lâu, vợ chồng anh cần vay mua nhà khoảng 400 triệu đồng tại một NH thương mại. Trong quá trình làm hồ sơ, cán bộ tín dụng đề nghị vợ chồng anh mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ. "Vợ tôi giải thích cả nhà đã có bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn bị ép mua thêm gói mới, nếu không thì hồ sơ không trôi chảy. Vợ tôi phải chọn gói bảo hiểm "bèo" nhất cho xong thủ tục" - anh kể.

Một số trường hợp phản ánh vay tín chấp ở NH thương mại 100 triệu đồng thì phải mua 2 gói bảo hiểm hết 9%, hoặc mua gói bảo hiểm nhân thọ 18 triệu đồng trong một năm để vay 800 triệu đồng từ NH thương mại. Nếu không mua thì nhân viên NH nói "đang xem hồ sơ, đang duyệt"… hoặc thủ tục vay vốn đã xong, chỉ đợi ký hợp đồng bảo hiểm mới giải ngân.

Không chỉ khách hàng cá nhân, nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn ở NH thương mại cũng cho biết phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được chấm điểm tín dụng cao, nhanh được xét duyệt hồ sơ. Theo lãnh đạo một DN trong lĩnh vực y tế, tủ đựng hồ sơ vay vốn ở nhà ông chứa cả xấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì mỗi lần nộp hồ sơ vay vốn là có thêm 1 hợp đồng bảo hiểm. "NH nói chủ trương là khuyến khích nhưng nếu không mua bảo hiểm thì hồ sơ dễ bị gạt qua một bên. Do DN đã có mối quan hệ ở một NH, ngại chuyển sang nơi khác nên miễn cưỡng mua" - vị lãnh đạo DN này kể.

Nhiều nhân viên tín dụng tại một số NH thừa nhận cũng đau đầu vì chỉ tiêu bán bảo hiểm. Theo quy định, quyền quyết định thuộc về khách hàng nhưng nếu không đủ chỉ tiêu thì nhân viên có thể bị hạ lương, không được tiền thưởng cuối năm…

Ngân hàng không được ép khách mua bảo hiểm! - Ảnh 1.

Phần lớn khách hàng phải miễn cưỡng mua bảo hiểm nhân thọ để được vay vốn ngân hàngẢnh: Tấn Thạnh

Nên "thuận mua vừa bán"

Bảo hiểm nhân thọ là một trong những sản phẩm bán chéo của NH với các công ty bảo hiểm. Lãnh đạo một số NH thương mại khẳng định NH chỉ khuyến khích, không có quy định ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân. Dù vậy, thực tế một vài NH cổ phần đưa chỉ tiêu bán bảo hiểm đến từng chi nhánh, phòng giao dịch và nhân viên, nếu không hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng thi đua cuối năm, lương thưởng…

Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh phân tích nhu cầu vay vốn của khách hàng vẫn cao trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng có hạn. Do đó, một số NH đã đưa thêm tiêu chí khách có mua bảo hiểm vào chấm điểm tín dụng. Việc nhiều NH ký hợp đồng phân phối bảo hiểm trị giá cả ngàn tỉ đồng với các công ty bảo hiểm cũng góp phần tạo sức ép lên chỉ tiêu cho chi nhánh, phòng giao dịch, nhân viên… Khách hàng mua bảo hiểm sẽ giúp giảm rủi ro nợ xấu cho NH trong trường hợp người vay gặp sự cố bất khả kháng, không trả được nợ. Nếu đã có nhiều hợp đồng bảo hiểm, khi vay vốn vẫn được mời mua thêm, khách hàng không hiểu về hợp đồng bảo hiểm đã mua… có thể xem như bị ép.

TS Huỳnh Trung Minh cho rằng nhân viên NH thương mại cần tư vấn đầy đủ để khách thấy được lợi ích của bảo hiểm, thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào việc phải bán sản phẩm khiến khách vay cảm thấy không hài lòng. Ở một số NH, khách hàng có tham gia bảo hiểm sẽ được giảm lãi suất, ưu đãi phí dịch vụ…

"Cơ chế thị trường là thuận mua vừa bán. Nếu mua bảo hiểm mà được lãi suất ưu đãi, giảm phí, khách hàng và gia đình được bảo vệ… thì cũng nên cân nhắc. NHNN cũng cần có biện pháp nhắc nhở những tổ chức tín dụng nếu thường xuyên để xảy ra tình trạng nhân viên không tư vấn đầy đủ cho khách hàng trước khi ký hợp đồng bảo hiểm và khách hàng phản ánh" - TS Huỳnh Trung Minh đề xuất.

Dưới góc nhìn khác, TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa Ngân hàng - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng cơ quan quản lý cần chấn chỉnh tình trạng cán bộ, nhân viên NH ép khách hàng mua các loại bảo hiểm. Bởi lẽ, tình trạng này đang làm méo mó phân khúc bán bảo hiểm qua NH, gây mất thiện cảm với khách hàng. Theo TS Nguyễn Quốc Anh, nếu mua bảo hiểm được tăng điểm xếp hạng tín dụng trong xét duyệt cho vay thì có thể góp phần tạo mầm mống dẫn đến chất lượng tín dụng chưa tốt, chẳng hạn hồ sơ của khách hàng về tín dụng không đạt nhưng nhờ mua thêm bảo hiểm nên được vay vốn.

"Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tốt nhưng nếu ép khách mua để đủ chỉ tiêu sẽ khiến phân khúc này méo mó. Khách hàng ở vào thế khó. Việc chấn chỉnh là cần thiết, bộ phận quản lý của các NH cần xây dựng định hướng, phát triển cho hệ thống mình có cái nhìn đúng về bán chéo sản phẩm bảo hiểm" - TS Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh. 

Nhiều lần bị nhắc nhở

Tại văn bản mới nhất, NHNN Chi nhánh TP HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.

Liên quan tình trạng một số NH có biểu hiện ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính từng cho biết đã có công văn yêu cầu DN bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các NH; phối hợp với NH kịp thời phát hiện và xử lý trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề một hội thảo, lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khẳng định ngành bảo hiểm không có chủ trương phải ép khách vay vốn ở NH mua bảo hiểm nhân thọ. Có điều, trong hợp đồng bán sản phẩm chéo giữa công ty bảo hiểm và NH có những ràng buộc về chỉ tiêu. Đây là "con dao hai lưỡi" có thể ảnh hưởng uy tín của cả NH và công ty bảo hiểm.

Xem thêm: mth.27434821211701202-meih-oab-aum-hcahk-pe-coud-gnohk-gnah-nagn/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng không được ép khách mua bảo hiểm!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools