Hoàng Tùng là một cái tên nổi tiếng trong giới khởi nghiệp và F&B tại Hà Nội, khi luôn tích cực khởi nghiệp với nhiều mô hình - ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, mảng anh thành công nhất có lẽ là F&B, khi từng làm co-founder tại Coffee Bike, founder Pizza Home và founder Bếp trên mây Cloud Cook. Cloud Cook mới thành công gọi 6 tỷ cho 40% cổ phần từ Shark Việt và Shark Bình ở Shark Tank 2021.
Mới đây, TP. HCM đã đề nghị tất cả các hàng quán bán đồ ăn sẵn ngưng hoạt động, bởi sợ việc các shipper từ nhiều app khác nhau, xếp hàng chen lấn lấy đồ ăn và giao đi khắp thành phố, có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh và phức tạp hơn. Tuy nhiên, theo anh Hoàng Tùng, nếu biết cách tận dụng, thì khoảng thời gian nghỉ ngơi này của các cửa hàng/nhà hàng không hề lãng phí. Theo đó, anh có một vài gợi ý sau đây.
------
Hàng quán đóng cửa, nhìn đồ nhập về mà ngao ngán, nhân viên thì buồn, mình thì chán, tiền nhà thì lơ lửng treo trên đầu, công nợ thì canh cánh… Biết làm gì bây giờ?
Năm ngoái trong đợt giãn cách cả nước vào tháng 4, Hà Nội bị “nhẹ” hơn TP. HCM hiện nay là vẫn được bán mang về qua các app giao nhận thức ăn. Nhưng, năm ngoái tâm lý của mình vẫn rất sợ; còn bây giờ thì phần nào cũng đã quen rồi. Vậy nên, mình muốn chia sẻ một vài việc mình đã làm năm ngoái. Vì mình biết, một số anh em làm F&B TP. HCM giờ cũng mệt mỏi, hoang mang và không biết làm gì.
Anh Hoàng Tùng - founder kiêm CEO Cloud Cook
Vậy không biết làm gì thì làm gì?
Làm R&D: Bình thường đang kinh doanh ngon lành mình hay bị bỏ qua cái này. Đơn giản vì đang làm ngon thì cần gì thay đổi và cả tâm lý lười. Nhưng tin mình đi, nếu may mắn, khi làm R&D có thể cho ra được những sản phẩm tốt kiểu ‘bá đạo’. Ví dụ: mình may mắn thành công tạo ra được Pizza thanh long hay Burger Corona hay Pizza Đông Lạnh; đã được viral lên được báo đài quốc tế… Dĩ nhiên thất bại cũng nhiều lắm! Nhưng đừng vì vài lần thất bại mà ngại R&D!
Làm quy trình: Nếu đang rảnh rỗi, các chủ doanh nghiệp nên làm lại đi. Chúng ta hãy soi xét lại từng ly từng tý trong quy trình vận hành của mình. Mình đảm bảo, chúng ta sẽ soi ra một đống lỗ hổng to đùng luôn; hoặc có những cái hàng ngày mình thấy lỗi, nhưng lười không sửa. Xiết được quy trình thì tiết kiệm được rất nhiều chi phí!
Làm đào tạo: Chúng ta hãy training - đào tạo lại, không phải chỉ riêng cho nhân sự, mà cả cho cả bản thân chủ doanh nghiệp. Nói chung, phần nào mình không chắc, chứ riêng về khoản ngu kiến thức thì chúng ta vẫn rất chi là vô hạn. Thế nên rảnh thì học thôi!
‘Làm’ tương lai: Suy nghĩ xem tương lai của cửa hàng hoặc mô hình kinh doanh của mình sẽ đi đâu về đâu? Khách hàng sẽ dịch chuyển ra đâu và mình cần phải làm gì? ‘Bình thường mới’ nghĩa là nó không cũ. Nó không cũ nghĩa là làm theo kiểu cũ sẽ không còn hiệu quả. Mà làm theo kiểu mới thì cụ thể sẽ như thế nào?
Nếu làm được 4 cái trên, mô hình kinh doanh của chúng ta chắc chắn là sẽ ‘chiến’ hơn trước. Mình năm ngoái cũng làm mấy thứ bên trên. Thậm chí, có thứ mình làm còn chưa tới. Năm ngoái, mình cũng từng phải đóng cửa hàng, cũng có nhân sự phải nghỉ, cũng phải chậm lương 1 thời gian chứ chả thần thánh gì…
Nhưng mà, thôi thì chúng ta cứ tin: hôm nay khó, mai khó nhưng ráng gồng để tồn tại! Có thể có một tí đói, nhưng hãy cố gắng đừng chết.
Hoàng Tùng - CEO Cloud Cook
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị