G20 cảnh báo các biến thể của Covid-19 đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu
Chánh Tài
(KTSG Online) - Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế lớn, còn gọi là nhóm G20, cảnh báo sự bùng nổ của các biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta và khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 bị hạn chế ở các nước đang phát triển đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của G20 tham gia một phiên họp ở Vencie, Ý hôm 10-7. Ảnh: Kyodo. |
Tránh áp đặt các hạn chế mới đối với người dân
Cảnh báo trên được đưa ra trong thông cáo chung sau hội nghị Bộ trưởng Tài chính của nhóm G20 diễn ra tại thành phố Venice của Ý hôm 10-7. Thông cáo cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện nhờ vào việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 và các gói hỗ trợ kinh tế, nhưng ghi nhận đà phục hồi kinh tế còn mong manh khi thế giới đối mặt với các biến thể lây lan nhanh hơn của virus SARS-CoV-2, như biến thể Delta.
Thông cáo cho biết: “Đà phục hồi kinh tế toàn cầu có sự chênh lệch lớn và vẫn đối mặt với rủi ro suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng và tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 không đồng đều. Chúng tôi khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có chừng nào còn cần thiết để giải quyết các hậu quả của Covid-19”.
Trong khi một số quốc gia giàu có nhất đã tiêm cho hơn 2/3 người dân của họ ít nhất một mũi vaccine Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều quốc gia châu Phi chưa đến 5% dân số. |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen nói rằng bà lo ngại biến thể Delta và các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện và đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Các bộ trưởng G20 cũng nhất trí tránh áp đặt các hạn chế mới đối với người dân. "Tất cả chúng tôi nhất trí rằng chúng tôi nên tránh đưa ra một lần nữa bất kỳ hạn chế nào đối với việc di chuyển và lối sống của người dân", Bộ trưởng Kinh tế Ý, Daniele Franco, nói.
Thông cáo của G20 nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc “chia sẻ công bằng trên toàn cầu” nhưng không đề xuất các biện pháp cụ thể. Mức chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 giữa nước giàu và nước nghèo trên thế giới vẫn còn rất lớn. Ý cho biết G20 sẽ thảo luận vấn đề tài trợ vaccine Covid-19 cho các nước nghèo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh 20 ở Rome vào tháng 10 tối.
Nhất trí thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Thành quả chính sách lớn nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 là các bên nhất trí đánh thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Thông báo của hội nghị cho hay: “Sau nhiều năm thảo luận và xây dựng được tiến triển vào năm ngoái, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận lịch sử về một cấu trúc thuế quốc tế ổn định và công bằng hơn”.
Cho đến nay, có 131 nước ủng hộ thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Tám quốc gia vẫn chưa ký thỏa thuận gồm Ireland, Estonia và Hungary, Kenya, Nigeria, Sri Lanka, Barbados và St. Vincent & Grenadines.
Việc đặt mức thuế tối thiểu 15% nhằm mục đích ngăn các công ty đa quốc gia đặt các nước vào cuộc chạy đua giảm thuế để thu hút họ đặt trụ sở. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến gần 10.000 doanh nghiệp lớn và giúp doanh thu thuế toàn cầu tăng thêm 150 tỉ đô la mỗi năm, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Thỏa thuận này cũng sẽ thay đổi cách đánh thuế của các công ty như Amazon và Google, bằng cách phân bổ quyền đánh thuế dựa vào nơi họ bán sản phẩm và dịch vụ, thay vì dựa vào nơi đặt trụ sở chính của họ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire hoan nghênh thỏa trên và gọi đó là cơ hội cải cách hệ thống thuế toàn cầu chỉ có một lần trong một thế kỷ. Ông nói: “Chúng ta không còn đường lùi nữa. Chúng ta đang đặt dấu chấm hết cho cuộc chạy đua xuống đáy về thuế và các công ty công nghệ khổng lồ sẽ trả phần thuế công bằng của họ”.
Các nhà nghiên cứu của Mạng lưới Nghiên cứu chính sách tài khóa và kinh tế châu Âu ước tính cách đánh thuế mới sẽ giúp thu thêm 87 tỉ đô la tiền thuế mỗi năm từ các tập đoàn công nghệ như Apple, Microsoft, Alphabet, Intel, Facebook. Cao ủy Kinh tế Liên minh châu Âu (EU), Paolo Gentiloni nói với các phóng viên rằng các bên vẫn còn thảo luận về mức lợi nhuận của một số công đa quốc gia bị đánh thuế ở cấp quốc gia.
Theo Reuters