Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có tuyên bố quan trọng về lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề Biển Đông ngày 11-7, nhân kỷ niệm 5 năm ngày phán quyết Biển Đông (12-7-2016) của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong vụ kiện "đường lưỡi bò" phi pháp ở Biển Đông do Philippines đệ trình.
Theo đó, phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm cả "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ để đòi chủ quyền và cái gọi là chủ quyền lịch sử hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định "không có nơi nào mà trật tự hàng hải dựa trên luật pháp lại bị đe dọa như ở Biển Đông". Ông cáo buộc Trung Quốc "cưỡng ép, đe dọa các nước ven biển ở Đông Nam Á, đe dọa tự do đi lại trên tuyến đường toàn cầu quan trọng này".
"Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13-7-2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Blinken, nhắc đến chính sách dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump coi các tuyên bố của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ở hầu hết Biển Đông là phi pháp.
"Chúng tôi cũng tái khẳng định một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, các tàu của chính quyền hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951" - ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Ảnh chụp đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông năm 2017 - Ảnh: AFP
Trước đó, ông Blinken cũng đã có tuyên bố tương tự, bao gồm việc tái khẳng định khả năng áp dụng hiệp ước có từ năm 1951 tại khu vực Biển Đông trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin Jr. vào tháng 4-2021.
Trong tuyên bố ngày 13-7-2020, ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo nhấn mạnh hầu hết các tuyên bố hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp".
"Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách "đường chín đoạn" ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố vào năm 2009. Trong một quyết định có sự thống nhất ngày 12-7-2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên - đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế" - ông Pompeo khẳng định.
"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình" - ông Pompeo tuyên bố, nhấn mạnh "Mỹ tìm cách bảo vệ hòa bình và ổn định, tôn trọng tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối bất kỳ nỗ lực nào về việc sử dụng cách thức cưỡng ép hay vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.
TTO - Trong cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đề cập tới phán quyết về Biển Đông năm 2016.