Chật vật cảnh không đủ điện sinh hoạt giữa mùa hè
Có điện nhưng chập chờn, lúc được lúc không, bà Thị (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm chờ điện.
"Lắm lúc nóng quá tôi phải chạy ra ngoài kia. Trong thời điểm yếu điện, cả tủ lạnh, cả quạt đều sập điện", bà Thị cho hay.
Cũng vì nguồn điện không ổn định, nên một gia đình khác tại xã Trung Hòa cũng phải trang bị thêm máy tự động ổn áp, thế nhưng không khắc phục được là bao.
Dẫu vậy, sắm được máy ổn áp, nhiều người tin và yên tâm rằng điện sẽ ổn hơn, vì vậy nhà nào cũng cố mua một cái. Còn với những gia đình khó khăn, không có máy ổn áp lại phải tìm cách khác.
Dù đã lựa chọn công việc để chủ động làm tại nhà nhưng anh Trường lại rơi vào thế bị động vì thiếu điện.
"Nóng quá, có chậu nước bên cạnh là tôi nhúng áo xuống, sau đó vắt khô, vắt hết nước lại mặc luôn vào", anh Lê Xuân Trường (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) chia sẻ.
Lo về cái nóng rồi lại lo về việc làm, dù đã lựa chọn công việc để chủ động làm tại nhà nhưng anh Trường lại rơi vào thế bị động chỉ vì thiếu điện.
"Nếu như cứ tình hình này thì hầu như không làm gì được. Ngồi không cũng khổ nói gì là làm", anh Lê Xuân Trường cho biết thêm.
Điện yếu, phập phù không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, mà còn gây hư hỏng nhiều thiết bị như gia đình của chị Bốn.
"Máy lọc nước mua 16 triệu. Máy bơm nước cá sấu là 1,75 triệu. Cháy sập hết bóng điện, ngõ này nhà em cũng nhiều người bị", chị Lâm Thị Bốn (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) cho biết.
Khi màn đêm buông xuống, tình trạng "có điện nhưng vẫn tối" tại nơi đây mới càng rõ rệt.
Doanh nghiệp tư nhân cung cấp điện cho người dân
Hiện đơn vị quản lý và cung cấp điện cho người dân tại xã Trung Hòa là Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường. Đơn vị này vận hành từ năm 2009 đến nay, nhưng hiện nguồn điện cung cấp đến cho người dân chưa đáp ứng được, khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh thiếu điện.
Toàn bộ lưới điện hạ áp trên địa bàn xã Trung Hòa được Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường quản lý vận hành, khai thác và kinh doanh bán điện với 10 trạm biến áp. Tổng số hộ sử dụng điện khoảng 2.700 hộ. Sản lượng điện trung bình tháng dao động khoảng 850.000 - 950.000 kWh.
Điện yếu, chập chờn, lúc được lúc không, nhiều người dân ra ngoài ngồi hóng gió.
Theo phản ánh của người dân, chất lượng điện thường xuyên không ổn định, xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của các hộ dân trên địa bàn.
Theo Công ty Điện lực Chương Mỹ đánh giá, sở dĩ chất lượng điện áp tại khu vực này kém là do bán kính cấp điện xa, dây dẫn nhỏ, sử dụng lệch pha, trong khi mức tiêu thụ tăng.
Sẵn sàng tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn bán lẻ cho người dân
Mong muốn của người dân tại xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội là sớm có được nguồn điện ổn định, được mua và sử dụng trực tiếp từ doanh nghiệp nhà nước, do sử dụng nguồn điện mua từ đơn vị tư nhân không ổn định.
Trước đó, ngày 23/6, doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường đã gửi báo cáo về việc đề xuất bàn giao lưới điện hạ áp xã Trung Hòa, cho Công ty Điện lực Chương Mỹ. Vậy phía Công ty Điện lực Chương Mỹ trả lời như thế nào về vấn đề này? Liệu họ có sẵn sàng tiếp nhận lưới điện hạ áp do Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường đang quản lý vận hành?
"Công ty điện lực rất muốn tiếp nhận lại để đầu tư, để nâng cấp lưới điện, đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện bình thường. Tuy nhiên việc bàn giao này cũng đang là một quá trình, không thể nhanh được. Thứ nhất là mình phải kiểm đếm tài sản, xong bàn giao tài sản, đánh giá tài sản. Và ở đây có chuyện là doanh nghiệp này đang đi vay vốn Ngân hàng Thế giới, chưa rõ được phương thức tiếp nhận tài sản thì hoàn vốn hay nhận lại vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Thứ hai là trước khi tiếp nhận chúng tôi phải làm một số tiểu dự án nho nhỏ, cải tạo sau đó chuẩn bị công tơ, lắp đặt cho đồng bộ", Giám đốc Công ty Điện lực Chương Mỹ Trần Ngọc Mười cho biết.
Về dự kiến thời gian hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp, theo ông Mười, từ nay đến hết năm 2021, nếu các bên đều tích cực và hợp tác thấu đáo, thì có thể sẽ hoàn thành trong năm nay.
Như vậy, để đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành, duy tu bảo dưỡng và phát triển mạng lưới điện, phục vụ người dân, Công ty Điện lực Chương Mỹ sẵn sàng tiếp nhận lưới điện hạ áp tại khu vực xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Thế nhưng, ngày 5/7 vừa qua, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường lại có báo cáo thay đổi quyết định và đề nghị tiếp tục duy trì quản lý kinh doanh điện tại khu vực xã Trung Hòa. Cố gắng giữ lại hay buông bỏ?, quyết định không chỉ nằm ở những tờ báo cáo, mà cần được hiện thực hóa bằng chính hành động.
Cơ sở hạ tầng lưới điện hạ thế xuống cấp: Giữ lại hay buông bỏ?
Điện yếu, chập chờn liên tục khiến nhiều thiết bị chập cháy, hư hỏng. Để cứu lấy tài sản của gia đình mình, nhiều người dân tại khu vực xóm Bụa (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) đã cùng nhau góp tiền xây dựng lại cột điện và hệ thống đường dây riêng.
Do đấu tranh năm lần bảy lượt, Doanh nghiệp tư nhân Mạnh tường cũng đã kéo cho trang trại gà nhà chị Lệ và một số trang trại lân cận hệ thống đường dây mới. Tuy nhiên, nguồn điện vẫn chưa được ổn định.
Theo phản ánh của người dân, chất lượng điện thường xuyên không ổn định, xảy ra nhiều năm nay, nhưng chưa được khắc phục, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của các hộ dân trên địa bàn.
"Cũng chỉ cải thiện được 50 - 60% hiện trạng thôi. Nhà tôi kinh doanh điện phải sử dụng 24/24. Những thời điểm điện yếu là chúng tôi phải chạy máy phát, bởi nó không đáp ứng được thiết bị. Nếu như cố tình cho chạy thì nó sẽ bị cháy", chị Lệ chia sẻ.
Theo kiểm tra, khảo sát hệ thống trạm biến áp trên địa bàn xã Trung Hòa, Trong 21 đường dây hạ thế, có 13 lộ sụt áp nghiêm trọng, công suất giảm từ 20 - 30%.
"Có thể là do dây dẫn, do đoạn đầu có một vài cái nhà người ta dùng động cơ 3 pha công suất lớn quá. Khi người ta đóng động cơ 3 pha lên nó sẽ bị díu, đường dây sẽ bị sụt", anh Nguyễn Minh Khang (kỹ thuật viên, Công ty Điện lực Chương Mỹ) cho hay.
Đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường đã quản lý và vận hành nguồn điện trên tại xã Trung Hòa được 12 năm. Trong thời gian đó, đơn vị này cũng đã từng khắc phục hệ thống lưới điện, nhưng cứ sửa được chỗ này, chỗ khác lại hỏng.
"Nếu giờ đầu tư ra để xây dựng thì Sở Công Thương cấp phép cho doanh nghiệp này đến năm 2024 là hết hạn. Chính vì vậy, họ cũng tính toán nếu như đầu tư ra thì khả năng thu hồi vốn rất khó khăn, nguồn lực của người ta đang hạn chế. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân rất nhiều", Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Đức Giang nhận định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường đã thay đổi ý kiến, đơn vị này lại đề nghị tiếp tục duy trì quản lý kinh doanh điện tại khu vực xã Trung Hòa.
"Doanh nghiệp cũng nghĩ muốn bàn giao cho ngành điện cho xong, cho nhẹ, cho đỡ bức xúc. Thế nhưng sau khi chúng tôi tính toán lại, chúng tôi đã có văn bản đề nghị ngành chức năng trực tiếp là Sở Công Thương, Ủy ban huyện và xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để anh em chúng tôi đầu tư để phục vụ cho dân", Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tường Nguyễn Xuân Đệ nói.
Đầu tư mạng lưới điện mới gặp khó khăn về tài chính, trong khi bàn giao về ngành điện lực cũng không xong, điện thì ở ngay trước mắt nhưng để tiếp cận được với nó vẫn còn quá xa vời.
VTV.vn - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng chủ động tìm hiểu và trang bị những kiến thức, kỹ năng để sử dụng các trang thiết bị điện tiết kiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.82520112121701202-ion-ah-auig-gnohk-uhn-neid-oc-hnac-gnort-gnos-nad-oh-mart-gnah/et-hnik/nv.vtv