Khảo sát của hãng công nghệ tài chính Boku Inc cho thấy Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng ví điện tử nhanh nhất thế giới. Những quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Malaysia... sẽ có tốc độ tăng trưởng ví điện tử 311% trong khoảng 2020-2025, qua đó đạt tới 440 triệu ví điện tử.
Những khu vực khác như Châu Mỹ Latinh hay vùng Nam Phi và Trung Đông có tốc độ tăng trưởng ví điện tử tương ứng chỉ vào khoảng 166% và 147%.
Cũng theo báo cáo trên, ví điện tử đã vượt qua thẻ tín dụng để trở thành phương tiện thanh toán phổ biến nhất thế giới trong năm 2019 và xu thế này ngày càng tăng nhanh do đại dịch Covid-19. Năm 2020, toàn thế giới có hơn 2,8 tỷ ví điện tử và con số này dự kiến sẽ tăng 74% lên 4,8 tỷ vào cuối năm 2025.
Theo Boku, ví điện tử hiện nay thường được chia thành 2 loại. Đầu tiên là những ví điện tử được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia phát triển như Apple Pay hay Google Pay, dựa trên sự liên kết với các ngân hàng và thẻ tín dụng. Loại thứ 2 là những ví điện tử có tích điểm như AliPay hay GrabPay vốn thường được dùng nhiều ở những nền kinh tế mới nổi và lượng người dùng thẻ tín dụng thấp.
Năm 2020, thống kê của Boku cho thấy có đến 55 loại ví điện tử tích điểm đạt tổng giá trị giao dịch thường niên vượt 1 tỷ USD. Theo dự báo, SadaPay ở Pakistan sẽ là ứng dụng ví điện tử phát triển nhanh nhất thế giới từ nay đến năm 2025, tiếp đó là Mercado Pago và PicPay của Brazil.
Báo cáo trên cũng cho biết các ví điện tử của Trung Quốc sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến thị trường quốc tế bất chấp việc tập đoàn Ant Group của Alipay mua lại hàng loạt nền tảng thanh toán điện tử nước ngoài như bKash hay việc WeChat Pay của Tencent được cấp phép lưu hành tại Indonesia năm 2020.
"Có vẻ như các ứng dụng này sẽ không chinh phục thị trường mới nổi ở Châu Á như nhiều người kỳ vọng", báo cáo nêu rõ.
Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn số người dùng các ứng dụng thanh toán Trung Quốc này ở nước ngoài đều là công dân du lịch đến từ Trung Quốc.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị