Thả một con tôm sống vào nồi lẩu ở Anh sẽ trở thành một hành động phạm pháp, nếu tới đây Dự luật Phúc lợi Động vật mới của họ được nghị viện biểu quyết thông qua. Đúng như tên gọi, dự luật này được xây dựng bao gồm việc công nhận các loài động vật cũng có cảm giác đau đớn như con người.
Nhưng liệu những con tôm, một loài giáp xác không có vỏ não, có thực sự biết đau hay không? Đó vẫn là một cuộc tranh luận khoa học chưa đi đến hồi kết.
Mặc dù vậy, một số quốc gia đã đi trước cả Anh trong việc cấm luộc sống tôm hùm. Chẳng hạn như ở Thụy Sĩ, hành vi này có thể bị phạt hành chính từ 1.500 USD cho đến phạt tù lên tới 3 năm.
Dự luật Phúc lợi Động vật lần đầu tiên được Chính phủ Anh đề xuất vào tháng 5 như một lời hứa của Thủ tướng Boris Johnson, sau khi ông cam kết sẽ xem xét đến quyền lợi của động vật trong việc soạn thảo các chính sách mới.
Hướng đến nhiều khía cạnh, luật này chủ yếu nhằm hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm từ hoạt động săn bắn tiêu khiển, thúc đẩy các yêu cầu về không gian công bằng hơn đối với động vật trang trại và ngăn mọi người sở hữu động vật linh trưởng làm vật nuôi.
Nhưng trong bản thảo ban đầu của Dự luật Phúc lợi Động vật mới, các nhà lập pháp Anh chỉ công nhận cảm giác đau đớn về mặt thể chất và cảm xúc ở các loài động vật có xương sống.
Không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào được đưa ra với động vật không xương sống bao gồm bạch tuộc, mực, côn trùng và động vật giáp xác. Tuy nhiên, điều này đã khiến Tổ chức Phúc lợi Động vật của Đảng Bảo thủ, bao gồm cả những nhà bảo trợ như vợ của thủ tướng Carrie Johnson chưa hài lòng.
Họ lập luận rằng các loài động vật như bạch tuộc và tôm hùm cũng có cảm giác đau đớn, do đó cần được đưa vào dự luật và không nên bị phân biệt đối xử vì "cấu trúc thần kinh của chúng khác với chúng ta".
Để đáp lại, các nhà làm luật của Anh đang muốn đệ trình lưỡng viện một bản sửa đổi mới của Dự luật Phúc lợi Động vật, trong đó, họ mở rộng phạm vi các phúc lợi điều chỉnh sang động vật có vỏ, giáp xác và động vật thân mềm cephalopod. Nghĩa là luật này có thể ra một lệnh cấm hoàn toàn đối với hành vi luộc sống tôm hùm.
Mặc dù vậy, khoa học về cảm giác đau của các loài động vật như tôm hùm vẫn còn là một vấn đề mơ hồ gây tranh cãi. Trong một số thử nghiệm, tôm hùm được cho là có khả năng né tránh những cú sốc điện. Điều này gợi ý loài động vật giáp xác này cũng biết đau.
Bằng cảm quan, chúng ta cũng có thể thấy những con tôm hùm phải vật lộn dữ dội trong nước sôi suốt 2 phút trước khi chúng bất động. Do đó, luộc sống tôm hùm dường như là một hành động phi đạo đức.
Nhưng cũng có những lời đồn thổi không đúng, chẳng hạn như nhiều người cho rằng tôm hùm có thể hét lên khi bị nhúng vào nước sôi. Trên thực tế, tôm hùm không có phổi để hét, chúng cũng không có thanh quản. Bất kỳ tiếng động nào phát ra trong lúc luộc tôm hùm chỉ là không khí và hơi nước đang thoát ra từ vỏ của chúng.
Một số nhà khoa học cho rằng ngay cả sự vật lộn của tôm hùm trong nước sôi cũng chỉ là phản xạ cơ bản của chúng chứ không phải cảm giác đau khổ. Đó là bởi tôm hùm không sở hữu một hệ thống thần kinh phức tạp, chúng không có vỏ não để cảm nhận bất kỳ cảm giác đau thực sự nào.
Thay vào đó, mọi hành vi của tôm hùm được điều khiển bằng hệ thống tế bào hạch thần kinh rải rác khắp cơ thể giống với côn trùng. Mỗi hạch đều có thể phản ứng một cách bản năng với môi trường nước sôi, tạo ra chuyển động co quắp của chúng nhưng không gây ra cơn đau.
Cuộc tranh luận về chuyện tôm hùm có biết đau hay không đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ và vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết.
Nhưng một số quốc gia như Thụy Sĩ, Na Uy, Áo và New Zealand đã cấm luộc sống tôm hùm. Ví dụ, ở Thụy Sĩ, luật quy định bạn phải sốc điện để hạ gục tôm hùm trước khi luộc chúng. Tôm hùm cũng phải được vận chuyển trong nước mặn, không được để trong nước đá hoặc nước lạnh.
Một số nhà sáng chế lập dị thậm chí đã giải quyết nỗi đau của tôm hùm theo những cách không ai ngờ tới. Chẳng hạn như năm 2018, một chủ nhà hàng ở Maine đã bỏ tôm hùm vào hộp khói cần sa trước khi nấu, với hy vọng điều này có thể làm dịu cơn đau cho chúng khi đối mặt với cái chết trong nồi nước sôi.
Các nhà khoa học gần đây đã làm một số thử nghiệm để kiểm tra lý thuyết này. Họ phát hiện Tetrahydrocannabinol (THC), thành phần tác động thần kinh chính trong cần sa, đã làm chậm chuyển động của tôm hùm. Nhưng quan sát sau đó cho thấy những con tôm tiếp tục phải vật lộn trong nước nóng. Điều này gợi ý, nếu cơn đau của tôm hùm có thật thì cần sa thực sự không giúp ích là mấy.
Trở lại với Dự luật Phúc lợi Động vật ở Anh, hiện nó mới chỉ đang được xem xét trong ủy ban soạn thảo, tương đương với 1/4 chặng đường trước khi được trình Hạ viện, Thượng viện và cuối cùng được chấp thuận bởi Hoàng gia Anh.
Từ giờ cho tới lúc đó, bạn vẫn có thể luộc một con tôm hùm sống tại Anh. Nhưng nếu là một người ủng hộ dự luật mới, bạn có thể chọn sốc điện hoặc đông lạnh chúng trước khi thả vào nồi luộc như một cách làm nhân đạo hơn.
Tham khảo Iflscience
Thanh Long
Pháp luật và bạn đọc