Tiêm chủng vắc xin tại Quân y viện 175 - Ảnh: BÁ ĐOÀN
Nghị quyết của Chính phủ ngày 12-7 nêu rõ đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế, có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V của Liên bang Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động (không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 Việt Nam).
Theo đó, Chính phủ yêu cầu trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vắc xin (vaccine), ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng vắc xin Sputnik V với nội dung tương tự như nội dung thỏa thuận mà Bộ Y tế đã ký trong các trường hợp mua vắc xin BNT162 của Pfizer và vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC).
Chính phủ cũng khẳng định 40 triệu liều vắc xin này sẽ được tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ theo quy định.
Ngày 23-3-2021, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 đối với vắc xin Sputnik V của Nga. Đây là vắc xin ngừa COVID-19 thứ 2 được Việt Nam phê duyệt đến thời điểm đó.
Sputnik V là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được một cơ quan chức năng phê duyệt sử dụng. Từ ngày 11-8-2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vắc xin Sputnik V khi vắc xin này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Thành lập các đội cấp cứu lưu động sự cố sau tiêm phòng
Bộ Y tế quyết định thiết lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 toàn quốc.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản yêu cầu sở y tế các tỉnh thành, bệnh viện, các cơ sở tiêm chủng rà soát, hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có kế hoạch đáp ứng xử trí, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin.
Theo đó, ngoài việc cấp cứu tại chỗ, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành, bệnh viện thành lập các đội cấp cứu lưu động chịu trách nhiệm hỗ trợ các điểm, cụm tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
"Các đội cấp cứu lưu động chuẩn bị sẵn sàng và hỗ trợ cấp cứu các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm tại các điểm tiêm chủng, bảo đảm tiếp cận tới điểm tiêm chủng trong thời gian dưới 10 phút, khi được yêu cầu hỗ trợ từ các cơ sở tiêm chủng", Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ cũng yêu cầu các bệnh viện bố trí thường trực cấp cứu, chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ xử lý các trường hợp có sự cố nặng, nguy kịch sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Đồng thời Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình về sàng lọc, phân nhóm đối tượng trước khi tiêm chủng, theo dõi người sau khi được tiêm chủng.
TTO - UBND TP Hà Nội cho biết đang có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 diện rộng cho tất cả người dân trong độ tuổi cần tiêm chủng, từ 18-65 tuổi, với tổng số hơn 5,1 triệu liều.
Xem thêm: mth.24992246121701202-v-kintups-nix-cav-ueil-ueirt-04-aum-nahp-mad-y-gnod-uhp-hnihc/nv.ertiout