Trong cuộc thanh tra thuế 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã phát hiện và truy thu tiền thuế đối với nhiều ông lớn như: Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội, truy thu 112,8 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lỗ như Công ty TNHH Hòa Bình, truy thu 5,14 tỷ đồng, giảm lỗ 240 tỷ đồng; CTCP Lilama 3, giảm lỗ 168 tỷ đồng...
Đặc biệt trong danh sách này, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam bị réo tên với khoản nợ lên tới 138 tỷ đồng.
Tập đoàn C.P. có tên gọi đầy đủ là Charoen Pokphand Group, được thành lập năm 1921, tiền thân là một cửa hàng bán hạt giống tại Bangkok, Thái Lan.
Chủ sở hữu C.P Group, đế chế nông nghiệp không chỉ ở Thái Lan mà trên toàn Châu Á là gia đình Chearavanont. Tổng tài sản của gia tộc này được Forbes ước tính khoảng 36,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số những gia tộc giàu có nhất châu Á năm 2017.
Tính đến thời điểm hiện tại, C.P trở thành 1 trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Gia nhập vào thị trường Việt Nam từ 1988, đến năm 1993, công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai.
Năm 2009, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation, sau đó đổi tên thành C.P. Vietnam Corporation (Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam) vào năm 2011.
Có lợi thế từ việc tiên phong gia nhập thị trường, chu trình sản xuất khép kín và lợi thế từ tập đoàn mẹ, C.P. Việt Nam hiện đã trở thành một trong những ông lớn có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thức ăn chăn nuôi.
Tính đến nay, CPF với Chủ tịch Dhanin Chearavanont trực tiếp nắm giữ 29,18% cổ phần và gián tiếp nắm giữ 70,82% cổ phần tại C.P. Việt Nam.
Mô hình từ nông trại đến bàn ăn của C.P Group giúp doanh nghiệp này thu về hàng tỷ USD doanh thu tại Việt Nam. Năm 2019, doanh thu C.P Group đạt gần 65.000 tỷ đồng. Ở vị thế này, chưa một công ty nội địa nào có thể vươn tới.
Năm 2020, mảng nông nghiệp của C.P. tại Việt Nam đạt doanh thu 3,48 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019, lãi ròng 966,7 triệu USD (gần 23.000 tỷ đồng), tăng 125%.
Mức lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD tại Việt Nam là hết sức đáng nể, ngang ngửa với các nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu như Honda Việt Nam (đạt hơn 1 tỷ USD năm 2019), nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh) sản xuất đồ điện tử lãi ròng gần 1,2 tỷ USD (sau khi đã thanh toán chi phí về thuế, lãi suất, cổ tức ưu đãi và các loại chi phí khác phát sinh).
Diệu Minh (Tổng hợp từ Café F/Tuổi trẻ)