Tiếp tục tăng cường hàng hóa cho TPHCM, các tỉnh phía Nam
Chánh Trung
(KTSG Online) – Hàng hóa cung ứng cho thị trường TPHCM tiếp tục được tăng cường, tuy nhiên người đi mua vẫn còn gặp khó khăn; tại một số tỉnh phía Nam người dân đến mua tăng đột biến.
Nhiều mặt hàng lương thực đóng gói sẵn, thực phẩm đông lạnh... tại các siêu thị ở TPHCM vẫn đầy đủ. Ảnh: Thiện Võ |
Hàng hóa đủ nhưng phải chờ lâu tại TPHCM
Bộ phận công tác phía Nam - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay đến sáng ngày 12-7, tình hình cung ứng hàng hóa tại TPHCM tiếp tục được cải thiện.
Theo đó hàng thực phẩm trong siêu thị dồi dào nhưng người dân vẫn khó khăn để vào mua hàng do các siêu thị hạn chế người vào cùng lúc do phải áp dụng quy tắc chống dịch 5K. Nhiều siêu thị phát phiếu hẹn giờ để khách đến mua hàng, tráng tình trạng xếp hàng đông người.
Ghi nhận tại TPHCM, chị Thúy Vy ở quận 10 cho biết: “Tôi đến một siêu thị lớn tại quận 10 vào trưa nay và thấy hàng hóa khá đầy đủ, chỉ trừ một số mặt hàng thịt cá, đồ ăn chế biến sẵn có khá ít và hết nhanh. Các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm đông lạnh có khá nhiều và có khuyến mãi. Giá cả thì tăng so với hồi trước dịch bùng phát tuy nhiên không quá cao, tôi cũng chấp nhận vì tình hình cung ứng, vận chuyển khó khăn. Riêng phần xếp hàng để được vào siêu thị thì phải chờ hơi lâu nếu đi vào giờ cao điểm”.
Các trang bán hàng trực tuyến của các siêu thị, các ứng dụng đi chợ hộ online hay các sàn thương mại điện tử có lượng người đặt mua tăng cao. Tuy nhiên, người mua phản ánh tình trạng chậm giao hàng khá nhiều, có người đặt mua 3, 4 ngày sau mới có hàng. Các siêu thị, các ứng dụng đi chợ hộ online, các sàn thương mại điện tử cho hay do việc giao nhận khó khăn, các shipper phải đi qua nhiều chốt kiểm tra nên thời gian giao hàng bị kéo dài. Bên cạnh đó việc vận chuyển hàng từ các tỉnh vẫn còn chậm nên khó giao hàng ngay lập tức được cho người dân.
Tại chợ truyền thống, các quầy bán thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động, nhưng phục vụ được ít người dân do áp dụng quy tắc 5K. Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác đầy đủ, giá ổn định so với ngày hôm qua. Hiện không còn tình trạng bán rau, củ, quả bên lề đường như ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Công Thương cho biết thêm.
Các tỉnh phía Nam: người mua tăng đột biến
Tại các tỉnh, do tâm lý lo sợ dịch bệnh người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định. Tại các chợ truyền thống, lượng mua cũng tăng nhưng hàng hóa dồi dào. Giá trứng tăng, các loại thịt, rau củ, quả tăng nhẹ, Bộ Công Thương cho biết. |
Bộ Công Thương cũng cho biết tại thành phố Cần Thơ tối ngày hôm qua 11-7, sau khi có thông báo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại quận Ninh Kiều và Cái Răng, người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tươi sống mua vét hết các loại thịt, cá, trứng. Do cùng lúc người dân đến mua tăng đột biến, nhân viên siêu thị không kịp đưa lên kệ hàng.
Đến sáng nay 12-7, lượng rau, củ, quả, thịt trong siêu thị được cung ứng đầy đủ, người đến mua hàng giảm. Theo báo cáo của các siêu thị, lượng thịt, cá, củ, quả dự trữ, cung ứng tăng 200-300% nên không thiếu hàng.
Một số mặt hàng rau củ quả tại các siêu thị ở TPHCM nhanh hết hàng do nhu cầu của người dân vẫn cao. Ảnh: Thiện Võ |
Tại tỉnh Bình Dương tình hình cung ứng hàng hóa, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống ngày 12-7 giá cả vẫn cao so với trước đó từ 50% đến 200%. Nguyên nhân do trên địa bàn một số chợ bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, một số chợ tự phát, các cơ sở bán lẻ ngưng hoạt động.
Tại tỉnh Đồng Nai, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP. Biên Hòa, lượng khách đến mua sắm vẫn tăng cao vào ngày 11-7 và sáng 12-7. Nguyên nhân do các chợ truyền thống bị phong tỏa, đóng cửa nên người dân đã đổ xô đi mua hàng hóa tại các chuỗi, hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại.
Tại Big C, Co.opmart (Biên Hòa, Đồng Nai), Lotte Mart, Bách Hóa Xanh…, theo ghi nhận của đoàn công tác Đội Quản lý thị trường số 1, nhiều mặt hàng như các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh, mì tôm, trứng gia cầm… là mặt hàng chủ yếu khách hàng chọn mua. Mặc dù các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tăng cường nguồn hàng, đặc biệt là mặt hàng rau xanh, trong đó MM Mega Market tăng 300% nhưng vẫn không đủ cung ứng trong ngày. Trong khi đó các loại thịt, trứng, cá… vẫn còn nhưng số lượng không nhiều.
Bình Thạnh triển khai “Siêu thị mini 0 đồng” Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh vừa triển khai “Siêu thị mini 0 đồng” tại 290 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (trụ sở Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh) hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 524 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Bình Thạnh với tổng kinh phí là 209,6 triệu đồng. Mỗi người đến đây mua hàng sẽ luân phiên vào các khung giờ khác nhau trong các ngày siêu thị mở cửa và phục vụ cho những khách đã được phát phiếu mua hàng (tổng trị giá 400.000 đồng/khách). Siêu thị sẽ cung cấp hơn 60 mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm như đường, sữa, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, cháo gói, mì tôm, nước giặt, dầu gội cùng một số loại trái cây, rau, củ quả… "Siêu thị mini 0 đồng" là chuỗi hoạt động nằm trong chiến dịch Vòng tay Việt được thực hiện với sự phối hợp tổ chức của Công ty cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Sở Công Thương TPHCM, Thành đoàn TPHCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM, Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA). Từ "Siêu thị mini 0 đồng" đầu tiên ở TP. Thủ Đức mở ngày 27-6, đến nay, chương trình đã mở hơn 10 siêu thị, phát phiếu cho khoảng 9.000 hộ gia đình (mỗi hộ 400.000 đồng) và kế hoạch sẽ hỗ trợ 16.000 hộ tại TPHCM. |
Mời đọc thêm:
Kinh tế sáu tháng cuối năm 2021 có khả quan?
Xem thêm: lmth.man-aihp-hnit-cac-mchpt-ohc-aoh-gnah-gnouc-gnat-cut-peit/852813/nv.semitnogiaseht.www