Theo tờ South China Morning Post ngày 12-7, Ukraine đang dựa vào sự hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc để giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng - một động thái khiến giới phân tích bất ngờ.
Trước đó, ngày 4-7, Bắc Kinh thông báo đã ký một thỏa thuận với Kiev khuyến khích các công ty và tổ chức tài chính của cả hai nước "hợp tác tích cực" trong các dự án đường bộ, cầu và đường sắt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: EPA
Thỏa thuận nói trên là lần tái thiết mới nhất giữa Trung Quốc và Ukraine, quốc gia có chính sách đối ngoại được coi là thân phương Tây kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Vài ngày trước khi ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh, Kiew đột ngột rút lại quyết định ủng hộ việc đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Liên Hợp Quốc thực hiện một cuộc điều tra độc lập về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.
Hơn 40 quốc gia - bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật đã ủng hộ lời kêu gọi nói trên. Trung Quốc hoan nghênh việc Ukraine rút khỏi tuyên bố.
Cả Bắc Kinh và Kiev đều không nói về cách họ đạt được thỏa thuận mới, song, ngày càng có nhiều đồn đoán rằng Bắc Kinh sử dụng biện pháp ngoại giao vaccine để gây áp lực buộc Kyiv phải thay đổi quan điểm về Tân Cương.
Trái ngược với tình hình phức tạp trong quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế song phương Trung Quốc - Ukraine lại cho thấy kết quả khả quan. Trong công nghệ quân sự, Ukraine là đối tác lâu đời và là nhà cung cấp chính các động cơ phản lực hiện đại cho Quân đội Trung Quốc.
Theo ông Sergiy Gerasymchuk, phó giám đốc điều hành Ukraine Prism, tổ chức nghiên cứu an ninh có trụ sở tại Kyiv, những diễn biến gần đây đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Lý do là vì trước đó, chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần tìm cách củng cố quan hệ đối tác an ninh với Mỹ. Đối với Ukraine, Mỹ là một đối tác an ninh "cực kỳ quan trọng".
Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Kiev. Ngược lại, Ukraine là nhà cung cấp ngô lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Việc xích lại gần Trung Quốc có thể giúp "nhà sản xuất Ukraine được đền bù một số thiệt hại nhất định mà họ phải gánh chịu trong cuộc chiến với Nga" - ông Gerasymchuk nhận định.
Theo ông Yurii Poita, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương thuộc tổ chức Mạng lưới Nghiên cứu Địa chính trị Mới có trụ sở tại Kyiv, sự thay đổi lập trường của Kiev có thể là một phần trong nỗ lực phát triển chính sách châu Á của nước này.
Hiện, sự cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như cán cân lợi ích quốc gia của Ukraine đang là vấn đề Kiev tập trung xem xét, ông Poita nhận định.
Theo ông, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung chuyển sang giai đoạn mới, Kiev buộc phải thay đổi cách tiếp cận của mình đối với Bắc Kinh để ứng phó với Nga.