Chuẩn bị chuyển nông sản từ Đà Lạt đi TP.HCM thông qua những xe thuê nguyên chuyến - Ảnh: M.VINH
Sở Công thương TP.HCM cho biết để tăng thêm nguồn cung rau củ quả và hạ nhiệt giá bán, đơn vị sẽ mở thêm điểm trung chuyển mặt hàng này. Đồng thời, tăng nhiều chuyến xe lưu động, siêu thị mini bán hàng thiết yếu để hỗ trợ người dân.
Giá rau bán lẻ tại TP.HCM gấp 3 lần Đà Lạt
Mới đây, bà Nguyễn Thị Bé Ba (Q.Bình Thạnh) "ngã ngửa" khi phải trả 105.000 đồng cho 2kg khổ qua mua tại chợ Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Theo bà Ba, hiện các loại rau như cà chua, dưa leo, cải thảo, xà lách, rau dền cũng có mức giá "trên trời".
Theo ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM, hiện giá bắp sú, cải thảo, xà lách được bán lẻ với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại; cà chua, khoai tây, cà rốt 50.000 - 60.000 đồng/kg; rau bó xôi 60.000 đồng/kg. Mức giá này được người dân cho biết tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, giá các loại nông sản đang được bán tại các vựa sỉ vẫn khá thấp: cà chua: 16.000 đồng/kg, khoai tây: 20.000 đồng/kg, cải thảo: 14.000 đồng/kg, xà lách: 12.000 đồng/kg, cà rốt: 14.000 đồng/kg, rau bó xôi: 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông sản Đà Lạt chỉ tăng nhẹ so với cách đây một tuần.
Theo ông Lưu Lặp Đức - giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), do rau ăn lá như xà lách, tần ô... có thời hạn sử dụng ngắn nên giá được nhiều nhà vườn bán hiện giảm còn 6.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí vài ngày qua một số vùng sản xuất có dịch, phong tỏa thì nhiều nhà vườn phải cho không do vận chuyển khó khăn.
Tuy vậy, theo ông Đức, những loại rau ăn củ như củ dền, khoai tây, su su, khoai môn... nhờ thời gian sử dụng lâu, nhu cầu cao, nên nếu khu vực sản xuất không bị phong tỏa thì giá bán từ 15.000 - 30.000 đồng/kg, tăng so với bình thường.
Tăng do khâu bán lẻ, nhiều trung gian
Ông Phạm Ngọc Thạch - giám đốc Hợp tác xã SunFood (Đà Lạt, Lâm Đồng) - cho biết lượng rau củ được đơn vị bán ra trực tiếp cho cửa hàng, tận tay người dùng tại TP.HCM đang tăng.
Tuy vậy, giá đơn vị bán đến tận tay khách vẫn ổn định như bình thường: cải thảo chỉ 15.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo 17.000 - 18.000 đồng/kg, cải bó xôi 20.000 đồng/kg.
Theo ông Thạch, bình thường chi phí vận chuyển từ Lâm Đồng về TP.HCM tốn khoảng 1.000 đồng/kg, nếu giao tận nơi 2.000 đồng/kg.
Dù hiện tại vận chuyển khó nhưng theo ông Thạch, người bán chỉ cần bán cao hơn 50% giá nhập là đã lợi nhuận nhiều. "Nếu giá bán cao gấp 2-3 lần so với giá tại vùng sản xuất thì quá cao, lợi nhuận quá khủng" - ông Thạch nói.
Tương tự, đại diện Hợp tác xã Phước An (TP.HCM) cho biết trừ giá một số loại rau ăn quả như khổ quả, bầu, bí được đơn vị tăng 10% so với tháng trước lên 20.000 đồng/kg; còn các loại rau ăn lá như rau muống, rau dền, cải ngọt... hiện được đơn vị bán ra vẫn ổn định 12.000 - 15.000 đồng/kg.
Một người bán rau củ tại khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) thừa nhận giá rau tăng cao chủ yếu do khâu bán lẻ. Tuy nhiên, theo người này, giá nhập cũng tăng so với bình thường như cà chua, khoai tây hiện mua vào 15.000 - 35.000 đồng/kg, rau ăn lá 15.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại.
"Nguồn hàng giảm mạnh vì vận chuyển khó, thêm ba chợ đầu mối tạm ngưng nên người bán phải đi tìm nguồn cung thay thế, qua nhiều trung gian nên chi phí đội lên" - người này khẳng định.
Nhiều điểm bán cũng lấy lý do vận chuyển khó, chi phí nhân lực tăng cho việc tăng giá.
Tăng bán hàng lưu động, đồng giá để "hạ nhiệt"
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết đơn vị vừa kết hợp với nhiều doanh nghiệp triển khai mô hình "siêu thị mini 0 đồng" bán các sản phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân khó khăn.
Sở này cho biết sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức hàng chục chuyến xe lưu động chuyên bán các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ hơn thị trường cho các khu vực bị phong tỏa, cách ly để hỗ trợ người dân.
Nhiều siêu thị cho biết sẽ tăng cường chuyến xe lưu động, mô hình "đi chợ giúp". Theo đại diện Bách Hóa Xanh, hiện mỗi ngày đơn vị bán ra 700kg thực phẩm tại hai điểm bán hàng lưu động ở khu vực phong tỏa của quận Bình Tân; và đang xem xét mở thêm hai điểm bán lưu động tại quận 7.
Bên cạnh đó, đơn vị sắp thực hiện dịch vụ "đi chợ giúp" người dân tại nhiều quận huyện, các khu công nghiệp.
Tương tự, hệ thống Saigon Co.op cho biết vừa triển khai nhiều điểm bán hàng lưu động và sẽ mở rộng mô hình này ở các quận huyện trong thời gian tới, đặc biệt tại khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Ngăn chặn đầu cơ, tăng giá rau củ
UBND TP Thủ Đức đã ra văn bản khẩn điều tiết, phân luồng trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhằm ngăn chặn đầu cơ, tăng giá rau củ. Tại điểm trung chuyển tạm thời, chợ đầu mối sẽ bố trí chỗ đỗ xe, phân luồng, tập kết, trung chuyển hàng hóa tại hai bãi container trong khuôn viên chợ.
Đại diện Cục quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán tại các chợ, cửa hàng và xử lý những trường hợp nâng giá bán không hợp lý các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để trục lợi.
Cần Thơ: siêu thị cam kết không lợi dụng dịch để tăng giá
Sau khi người dân ùn ùn đổ đi mua khiến giá nhiều mặt hàng tăng gấp 2-3 lần, các siêu thị như Co.opmart Cần Thơ, Bách Hóa Xanh trong khoảng 9h tối 11-7 nhiều kệ hàng cũng hết sạch... thì gần trưa 12-7, các siêu thị đã kịp bổ sung hàng.
Anh Nguyễn Văn Thanh (P.An Bình, Q.Ninh Kiều) - mua sắm tại Trung tâm thương mại Go! Cần Thơ (Q.Cái Răng) - cho biết hàng hóa rất nhiều, rau củ, cá thịt có đủ và giá cả tương đối ổn định.
Ông Hà Vũ Sơn - giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ - cho biết các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đã cam kết bán theo giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh tăng giá. Đồng thời, những khó khăn khi hàng hóa đưa vào TP đã được phối hợp giải quyết.
Để người dân an tâm mua sắm, 62 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên toàn TP đã thực hiện bán hàng trực tuyến qua website, Facebook, Zalo và qua điện thoại.
L.DÂN - C.CÔNG
Sức mua thực phẩm chế biến tăng, doanh nghiệp khó đáp ứng
Người dân ngồi xếp hàng giãn cách đợi vào mua sắm tại siêu thị Co.opmart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM vào chiều 12-7 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ngày 12-7, một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM cho biết sức mua của người dân với các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn tăng khoảng 30-50% so với tuần trước đó, chủ yếu kênh trực tiếp.
Ông Nguyễn Nhơn Quý - trưởng phòng truyền thông AEON Việt Nam - cho biết khách hàng chủ yếu mua các sản phẩm bánh mì, siêu thị tăng thêm lượng hàng chế biến sẵn. Đại diện Central Retail Group cho biết các món ăn sẵn được người tiêu dùng mua tăng khoảng 30%, chủ yếu cơm, hoa quả cắt sẵn, bánh mì, sushi...
Ngoài các siêu thị có thế mạnh về thực phẩm chế biến, nhiều hệ thống cho biết gặp khó khi triển khai thêm mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, vốn phải có thời gian, nhân sự và không để tồn qua ngày.
Trong khi đó, người dân vẫn phải chờ đợi để vào mua hàng do các siêu thị hạn chế người để đảm bảo 5K.
Số lượng đơn hàng trên các kênh online ở siêu thị vẫn tăng mạnh. Nhiều người mua hàng cho biết phải dùng cùng lúc nhiều ứng dụng đi chợ hộ để mua được thực phẩm. Trong khi đó, các nhà bán lẻ tiếp tục tăng thêm nhân lực để hỗ trợ khâu soạn hàng cho các đơn hàng online, phối hợp với các đơn vị vận chuyển để khách nhận hàng trong 3-5 ngày.
Dù cam kết giữ giá nhưng một số nhà bán lẻ thừa nhận với các sản phẩm trứng, do sức mua tăng đột biến nên phía các nhà cung cấp cần thêm thời gian để chuẩn bị. Vì vậy trong vài ngày qua, có thiếu hàng cục bộ.
Đến nay, nhiều siêu thị đã đặt bảng thông báo mỗi khách hàng chỉ mua tối đa 1 hoặc 2 vỉ trứng gà/ngày tùy hệ thống. Giá trứng chợ lẻ đã tăng lên 40.000 đồng/chục với trứng gà và 55.000 đồng/chục với trứng vịt.
Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM đã đề xuất tăng giá trứng tối đa thêm 2.600 đồng/chục nhưng Sở Tài chính TP cho rằng thời điểm này chưa phù hợp tăng giá.
N.BÌNH
TTO - Cuối tuần, nhu cầu mua sắm tăng cao nên tại nhiều siêu thị xảy ra tình trạng khách xếp hàng dài chờ đến lượt. Nhiều người dân đến siêu thị xếp hàng lúc 12h trưa nhưng được phát phiếu hẹn đến tận 22h.