TAND Tối cao vừa ban hành Văn bản số 01/2021/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong đó, nhiều đề nghị của các tòa án cấp dưới đã được TAND Tối cao giải đáp chi tiết.
Không giới hạn số lượng hòa giải viên tối thiểu
Văn bản giải đáp về việc xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác, người có uy tín trong cộng đồng dân cư theo Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (LHGĐTTTA).
Cụ thể, chuyên gia là những người được đào tạo theo hướng chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung, trình độ từ đại học trở lên. Chuyên gia theo lĩnh vực như tâm lý học, thương mại, tài chính, sở hữu trí tuệ...
Hòa giải viên (trái) đang hòa giải cho cặp vợ chồng trong vụ ly hôn. Ảnh: TÂM AN
Cạnh đó, theo Điều 4 Quyết định số 12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì người có uy tín là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; được người dân trong cộng đồng tôn trọng, tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Người có uy tín được lựa chọn từ các đối tượng như già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ hoặc những người thường được đồng bào dân tộc thiểu số mời thực hiện các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, bản làng; chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số (Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành, Công giáo...); nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, nhà giáo, người hành nghề chữa bệnh giỏi hoặc người có điều kiện kinh tế thường giúp đỡ và được đồng bào tín nhiệm là người có uy tín.
Theo TAND Tối cao, tùy tình hình thực tiễn tại địa phương, tòa án có thẩm quyền tuyển chọn chuyên gia, nhà chuyên môn khác, người có uy tín trong cộng đồng dân cư đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 10 LHGĐTTTA để bổ nhiệm hòa giải viên.
Về số lượng hòa giải viên (HGV) tối thiểu, theo TAND Tối cao, số lượng HGV tại mỗi tòa án được định biên tối đa trên cơ sở số lượng vụ việc dân sự, hành chính được thụ lý của từng tòa án nên không giới hạn số lượng tối thiểu.
Về thắc mắc tranh chấp đất đai mà chưa qua thủ tục hòa giải ở xã, phường thì có được xem xét để hòa giải theo LHGĐTTTA không, TAND Tối cao giải đáp: Đối với những tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp ranh giới thửa đất mà chưa qua thủ tục hòa giải ở xã, phường thì không được hòa giải theo LHGĐTTTA vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa
Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ một số trường hợp.
Cụ thể, đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch thì các bên tranh chấp phải chịu chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 16/2021. Chi phí bao gồm chi thù lao cho HGV, chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải (chi văn phòng phẩm, nước uống, cước phí bưu chính, viễn thông phục vụ trực tiếp việc hòa giải). Ngoài ra, các bên còn phải chịu các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 3 của nghị định này.
Đối với vụ việc hòa giải, đối thoại còn lại, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án chỉ phải chịu chi phí quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 16/2021.
Đó là chi phí khi các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của HGV; chi phí thuê địa điểm và chi phí khác trực tiếp phục vụ việc hòa giải, đối thoại theo thực tế phát sinh.
Chi phí khi HGV xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại có trụ sở. Chi phí này gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của HGV; chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng để phục vụ xem xét hiện trạng tài sản.
Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài gồm: Chi phí thuê người biên dịch, thuê người phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại.
Ly hôn có bắt buộc hòa giải? Văn bản của TAND Tối cao cũng giải đáp thắc mắc khi tiến hành hòa giải tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì HGV có phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên không, hòa giải vụ việc ly hôn có phải là thủ tục bắt buộc không? Theo đó, LHGĐTTTA không quy định việc buộc phải lấy ý kiến của con chưa thành niên trong quá trình HGV tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, HGV có thể lấy ý kiến của con chưa thành niên để hiểu được nguyện vọng của con, từ đó có phương án hòa giải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em. Còn vấn đề hòa giải vụ việc ly hôn theo LHGĐTTTA được tiến hành theo sự tự nguyện của các bên nên không phải là thủ tục bắt buộc. |