Dịch bệnh đang bùng phát mạnh, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, doanh nghiệp ngày càng khó khăn… đã phản ánh lên thị trường chứng khoán với những phiên rớt điểm cực mạnh.
Nhà đầu tư bán tháo
Từ đầu năm cho đến hết tháng 6, dù sàn chứng khoán TP.HCM liên tục bị đơ lệnh, nghẽn lệnh nhưng chỉ số VN-Index vẫn tăng mạnh, vượt lên trên 1.400 điểm. Đây là con số cao nhất trong lịch sử của thị trường này. Song hành với đó là số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới, nhất là nhà đầu tư cá nhân tăng cao bằng nhiều năm cộng lại.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, tránh bỏ trứng vào một giỏ. Ảnh: PM
Bước sang tháng 7, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chính thức đưa vào sử dụng hệ thống giao dịch mới, giúp thị trường hoạt động mượt mà hơn, không còn nghẽn lệnh như trước. Thế nhưng hiện nay thị trường chứng khoán đã không còn nhiều lạc quan như thời điểm sáu tháng đầu năm.
Điển hình là vào ngày 5-7, thời điểm HOSE ra mắt hệ thống giao dịch mới, cửa giao dịch chứng khoán đã thông thoáng thì ngay lập tức VN-Index bốc hơi đến 56 điểm. Ngày tiếp theo, chỉ số này mất mốc 1.400 điểm, chỉ còn 1.354 điểm. Các ngày còn lại trong tuần đầu tháng 7, dù có thời điểm thị trường lấy lại đà tăng nhưng rất thấp.
Đến ngày 9-7, thời điểm TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn TP để kiểm soát dịch bệnh, thị trường chỉ còn 1.347 điểm. Sau ba ngày giãn cách xã hội, bước vào ngày đầu tuần 12-7, thị trường chứng khoán nhuốm màu đỏ rực với hàng trăm mã cổ phiếu giảm điểm. Nhà đầu tư bán tháo khiến có lúc thị trường đã mất đến gần 76 điểm, mức giảm điểm lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-7, VN-Index mất tổng cộng 50,84 điểm và rớt xuống chỉ còn 1.296 điểm. Tuy nhiên, vào phiên chiều đã xuất hiện làn sóng nhà đầu tư lao vào bắt đáy, hỗ trợ thị trường không rớt mạnh điểm như phiên sáng. Nhờ đó, thanh khoản khá tốt, đạt mức hơn 31.000 tỉ đồng.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định nguyên nhân chủ yếu khiến chứng khoán giảm điểm mạnh là do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 lan rộng và phức tạp đã tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư. Các nhà đầu tư đã nhìn thấy những khó khăn trước mắt mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Đó là việc giãn cách xã hội tại TP.HCM và nhiều địa phương sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh, qua đó tác động đến tình hình sản xuất, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vào tháng 7 này.
Mặt khác, diễn biến xấu của đợt dịch lần thứ tư cũng khiến dự báo tăng trưởng kinh tế giảm so với trước đó. “Nhà nước đã thực thi các biện pháp mạnh tay để chống dịch. Song nếu các ca nhiễm chưa giảm, mọi thứ chưa quay dần trở lại cuộc sống bình thường mới… thì khả năng thị trường vẫn còn giảm điểm” - ông Phương dự báo.
Bên cạnh đó, giới phân tích kinh tế cho rằng thị trường thời gian qua tăng trưởng khá dài và nóng nên việc đảo chiều sẽ xuất hiện. Thêm nữa, những điểm tốt nhất như lợi nhuận doanh nghiệp đã phô bày hết vào nửa đầu năm 2021 và đã phản ánh hết giá trị nên các nhà đầu tư bán ra cơ cấu lại danh mục; thị trường chứng khoán đã chạy mượt mà, không còn nghẽn lệnh nên nhà đầu tư dễ dàng thoát hàng hơn.
Triển vọng tích cực trong dài hạn
TS Daniel Borer, ĐH RMIT Việt Nam, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm ấn tượng vào cuối năm 2020 và sang những tháng đầu năm 2021. Song diễn biến dịch bệnh lần thứ tư phức tạp, chưa thể kiểm soát ngay. Trong khi nhiều nước đã triển khai tốt vấn đề tiêm vaccine nhằm nhanh mở cửa trở lại hoạt động thì Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu nên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đặt cược nhiều vào việc kiểm soát tình hình dịch bệnh lần này.
“Tuy vậy, thị trường chứng khoán vẫn giữ được những tín hiệu triển vọng khi khả năng lãi suất thấp vẫn giữ cho đến hết năm, lạm phát được kiểm soát để giảm áp lực cho người tiêu dùng. Tôi tin Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh như các lần trước nên những tháng cuối năm, kinh tế dự báo sẽ phục hồi khả quan. Qua đó phản ánh vào chứng khoán một cách tích cực, dù từ đây đến đó vẫn có nhiều rủi ro” - TS Daniel Borer phân tích.
Đồng quan điểm, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, đánh giá VN-Index đã tăng trưởng hơn 27% từ đầu năm. Đây là sự tăng trưởng có cơ sở hợp lý và được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE.
Thị trường từ nay đến cuối năm sẽ có những biến động nhất định. Một số nhà đầu tư sẽ chốt lời, đồng thời cũng sẽ có những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh lãi suất thấp được duy trì tiếp tục như hiện nay, đầu tư chứng khoán vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và đem lại lợi nhuận hấp dẫn.
“Điều lo ngại là do nhà đầu tư cá nhân đang chiếm ưu thế trên thị trường nên gặp nhiều thách thức và dễ tổn thương hơn khi thị trường diễn biến xấu. Do đó, trong bối cảnh thị trường hiện nay, các nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, tránh bỏ trứng vào một giỏ là ưu tiên hàng đầu. Nếu muốn tránh rủi ro hay an toàn dòng tiền, có thể đầu tư vào các chứng chỉ quỹ của quỹ mở, các quỹ ETF được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, uy tín” - ông Andy Ho khuyến nghị.
Dư địa tăng giá của chứng khoán vẫn còn Công ty Chứng khoán KBSV đánh giá việc bùng phát dịch bệnh cùng với hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II-2021 đã qua đi nên thị trường chứng khoán bắt đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, dư địa tăng giá của thị trường vẫn còn tương đối dồi dào trong sáu tháng cuối năm. Động lực của thị trường tiếp tục đến từ sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhóm doanh nghiệp đang niêm yết. Đơn cử như nhóm bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, điện, cảng biển, công nghệ thông tin, ngân hàng, thủy sản và dầu khí. “Các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở các ngành này đến từ tác động tích cực của lãi suất thấp; việc thương mại quốc tế dần khôi phục khi chương trình tiêm vaccine được đẩy mạnh hay xu hướng tăng giá hàng hóa... Thậm chí, nhiều ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mà không chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các biến động vĩ mô như công nghệ thông tin, điện” - KBSV phân tích. |