vĐồng tin tức tài chính 365

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương và vụ giải cứu "cựu vương" thủy sản

2021-07-13 09:44

GIẢI CỨU BẤT THÀNH, TỶ PHÚ TRẦN BÁ DƯƠNG RÚT KHỎI HÙNG VƯƠNG

Đầu tháng 7/2021, người đứng đầu tập đoàn Thaco là ông Trần Bá Dương và công ty liên quan đã bán hết cổ phiếu HVG của CTCP Thủy sản Hùng Vương.

Cụ thể, ngày 2/7/2021, Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh và ông Trần Bá Dương đồng loạt bán hết hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG. Trong phiên giao dịch này, HVG được thỏa thuận 19,875 triệu cổ phiếu, đúng bằng khối lượng 2 nhà đầu tư trên bán ra. Tổng giá trị thỏa thuận đạt gần 46 tỷ đồng, tương ứng tại mức giá 2.300 đồng/cổ phiếu.

Trước đó vào đầu tháng 4, ông Nguyễn Phúc Thịnh - thành viên HĐQT Thaco và cá nhân duy nhất của nhóm này tham gia HĐQT Hùng Vương - cũng chuyển nhượng 36,6 triệu cổ phiếu HVG để giảm sở hữu xuống còn 2 triệu đơn vị. Ô tô Trường Hải (Thaco) đã bán toàn bộ hơn 31,36 triệu cổ phiếu HVG vào thời điểm cuối năm 2020.

Như vậy, dù đã kỳ vọng về một bức tranh tươi sáng trở lại cho Hùng Vương sau khi đồng hành cùng Thaco, nhưng có thể thấy công cuộc giải cứu "vua cá tra" một thời đã thất bại. Việc thoái hế vốn là động thái chia tay dứt khoát của tỷ phú Trần Bá Dương sau 1 năm giải cứu "cựu vương" ngành cá tra bất thành.

Hùng Vương được ông Dương Ngọc Minh - người vẫn được gọi là đại gia chân đất - thành lập năm 2003 và nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra nước nhà, nổi tiếng là ‘tay chơi’ M&A khét tiếng trên thị trường. Tuy nhiên kể từ năm 2015, khi toàn ngành thủy sản gặp khủng hoảng, việc chạy đua huy động vốn đã khiến Hùng Vương lao đao kéo dài đến thời điểm hiện tại.

Bị từ chối giãn nợ bởi ngân hàng, Hùng Vương giai đoạn 2018-2019 liên tục bán những công ty con, liên kết nhằm duy trì hoạt động.

Năm 2020, trong cơn khủng hoảng với những khó khăn bủa vây cả về mặt hoạt động lẫn tài chính, Hùng Vương bất ngờ tìm thấy "phao cứu sinh" từ Thaco khi tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương chính thức đầu tư giải cứu Hùng Vương thông qua công ty con Thadi.

 Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương và vụ giải cứu cựu vương thủy sản - Ảnh 1.

Lễ ký kết hợp tác Thaco - Hùng Vương.

Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1/2020, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và Thadi phát triển mảng sản xuất heo giống.

Đồng thời, cả hai cùng bắt tay thành lập liên doanh sản xuất heo giống 45.000 con trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỉ đồng, với doanh thu dự kiến năm 2020 dự kiến 550 triệu USD. Trong đó, Thao rót vốn 65% vào liên doanh.

Nhờ đó, Hùng Vương kỳ vọng sẽ thoát tình trạng thua lỗ triền miên. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của nhân sự và vốn tài chính từ phía Thaco, Hùng Vương vẫn kinh doanh bết bát.

"Vua cá tra" một thời vẫn ngụp lặn trong khó khăn với mức lỗ 1.123 tỷ đồng trong năm 2019 và lỗ lũy kế 1.743 tỷ đồng kết thúc 31/12/2019. Vốn chủ sở hữu hiện còn chưa đến 660 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả hơn 7.100 tỷ đồng. Thậm chí HVG còn bị buộc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào 05/08/2020.

Trước cuộc bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương, một công ty con của Hùng Vương đã về tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng thông qua thương vụ thâu tóm chóng vánh.

VINGROUP MUA CÔNG TY THUA LỖ TRĂM TỶ CỦA "VUA CÁ TRA"

 Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương và vụ giải cứu cựu vương thủy sản - Ảnh 2.

Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng từng chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 9/3/2018, tại ĐHĐCĐ thường niên, Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng đã thông qua việc chuyển nhượng thêm 37,6 triệu cổ phần cho công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Vingroup .

Như vậy, VinEco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Việt Thắng lên 60% và trở thành cổ đông lớn nhất. Đáng chú ý, giao dịch chuyển nhượng thêm cổ phần tại VTF không cần phải chào bán công khai.

Việt Thắng được thành lập ngày 21/11/2002, tại Đồng Tháp, vốn điều lệ 8,1 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính là: Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, kinh doanh thức ăn và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi thủy sản.

Công ty này từng phất lên như diều gặp gió, chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong số ít doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động kinh doanh cao nhất thị trường chứng khoán lúc bấy giờ.

Điều này khiến Việt Thắng lọt vào "mắt xanh" của nhiều đại gia cùng ngành, trong đó có đại gia thủy sản Hùng Vương.

Khoảng cuối năm 2012, thương vụ Hùng Vương thâu tóm Việt Thắng diễn ra khá chóng vánh. Không phải chào mua công khai, Hùng Vương chỉ mất chừng 1 tháng để hoàn tất việc tăng tỉ lệ sở hữu từ 28,54% lên 55,31% và đến cuối năm 2015, Hùng Vương hoàn thành thương vụ thâu tóm khi nắm 90,38% cổ phần của Việt Thắng.

Dẫu vậy, về với "vua cá tra", công ty thức ăn chăn nuôi thủy sản hàng đầu cũng đi vào khó khăn. Trước khi về tay Vingroup, Việt Thắng đang "ngập" trong khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng cùng hàng trăm tỷ đồng lỗ lũy kế.

Hiện tại ông Dương Ngọc Minh vẫn là Chủ tịch HĐQT của Việt Thắng, nhưng sau khi về với Vingroup, công ty này có sự khởi sắc khi đạt 282 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong khi năm trước lỗ 18 tỷ.

Hải Yến

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: nhc.43911609031701202-nas-yuht-gnouv-uuc-uuc-iaig-uv-av-gnoud-ab-nart-gnouv-tahn-mahp-uhp-yt/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương và vụ giải cứu "cựu vương" thủy sản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools