Hiệu lực giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khác nhau, doanh nghiệp ‘kêu cứu’ Bộ Nông nghiệp
Trung Chánh
(KTSG Online) - Quy định thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khác nhau giữa các địa phương đã gây ra những tác động không nhỏ đến việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu. Có tỉnh công nhận hiệu lực kết quả xét nghiệm trong 7 ngày, có tỉnh là 3 ngày trong khi tỉnh Bạc Liêu quy định chỉ 1 ngày.
Trước thực trạng này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp thủy sản là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã phải “kêu cứu” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp tháo gỡ.
Tạo ‘luồng xanh’ lưu thông hàng hoá giữa TPHCM và địa phương
‘Giấy thông hành’ chống dịch mỗi nơi một kiểu chặn đứng dòng lưu thông hàng hóa
Vận chuyển thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh |
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nha Trang Seafood- F17, đã có văn bản "kêu cứu" đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những khó khăn, bất cập của giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 cho tài xế vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Ích cho rằng việc quy định hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khác nhau giữa các địa phương, mà cụ thể một số địa phương cho phép có hiệu lực trong 7 ngày, một số địa phương là 3 ngày, thậm chí tỉnh Bạc Liêu quy định chỉ 24 giờ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho trong việc vận chuyển hàng hoá phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.
Ông cho biết nhiều tài xế khi đến trạm kiểm soát thì giấy phép (giấy xét nghiệm SARS-CoV-2- PV) đã hết hiệu lực và buộc phải quay về để làm lại giấy xét nghiệm. Đây là bất cập rất lớn trong khâu kiểm soát và quy định thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Ông dẫn phản ánh các doanh nghiệp hội viên của VASEP cho biết việc tài xế vận chuyển hàng hoá phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực đã gây ùn tắc lối vào nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc vận chuyển nguyên liệu tôm, cá và hàng thành phẩm đông lạnh cũng như thức ăn chăn nuôi.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (đề nghị không nêu tên) cho rằng, thay vì việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long lên cảng ở TPHCM để xuất khẩu chỉ mất một ngày, thì sau khi các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 việc vận chuyển này mất nhiều thời gian hơn do ùn tắc xảy ra tại các chốt kiểm soát. “Điều này, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và chất lượng sản phẩm rất nhiều”, vị này nói và cho rằng, việc áp dụng không đồng bộ thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 giữa các địa phương còn khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chí phí rất nhiều.
Đặc biệt, theo vị này, việc tài xế phải dừng nhiều nơi để thực hiện xét nghiệm trong bối cảnh ở các chốt kiểm soát dịch lượng người và phương tiện đông càng khiến nguy cơ xảy ra bùng phát dịch Covid-19 cao hơn.
Trước vấn đề nêu trên, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến gấp với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Theo đó, cần thống nhất chỉ đạo, áp dụng đồng bộ giữa các bộ và các địa phương về thời gian cụ thể cho giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là có hiệu lực trong vòng 7 ngày.
Thống nhất việc áp dụng thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, thay vì xét nghiệm RT- PCR trong kiểm soát người từ nơi khác đến, bao gồm cả tài xế; thực hiện test nhanh tại các chốt kiểm soát dịch bệnh đối với các giấy đã hết hiệu lực nhằm giải quyết nhanh, tránh gây ách tắc giao thông và chất lượng hàng hoá.
Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị đưa tài xế vận chuyển hàng hoá vào danh sách ưu tiên được tiêm vaccine vào nhóm sớm nhất trong tháng 7 này ở tất cả các địa phương.
Xem thêm: