Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Huế vào năm 2030
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Với nguồn kinh phí khoảng 45.000 tỉ đồng huy động từ nhiều nguồn, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của cả tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Một góc thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Hiếu Trương |
Mục tiêu này được xây dựng có có thể thay đổi hằng năm dựa trên tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế trên toàn cầu, ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại sớm, theo Đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn” vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt hôm qua 12-7.
Cụ thể, năm 2025, du lịch Thừa Thiên Huế thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỉ đồng; GRDP (Tổng sản phẩm vùng) ngành du lịch đóng góp khoảng 14% so với GRDP của tỉnh (92.000 - 95.000 tỉ đồng); thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách. Lao động trong ngành khoảng 80.000 lao động, chiếm 13% của tỉnh (hơn 600.000 lao động).
Đến năm 2030, Huế thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 50 - 55%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 20.000 tỉ đồng; GRDP ngành du lịch đóng góp khoảng 15% so với GRDP của tỉnh (120.000 - 150.000 tỷ đồng); thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2,2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt trên 2,5 triệu đồng/ lượt khách. Lao động trong ngành dự kiến thu hút 100.000 lao động, chiếm gần 15% của tỉnh (khoảng 750.000 lao động).
Đến năm 2025, số khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao là 10 cơ sở và năm 2030 con số này khoảng 15 đơn vị, trong đó sẽ có một số khách sạn có thương hiệu quốc tế. Chậm nhất là vào năm 2025, khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ là khu du lịch quốc gia đầu tiên của tỉnh được công nhận và năm 2030 sẽ có thêm khu du lịch quốc gia Thanh Tân. Ngoài ra, sẽ kêu gọi đầu tư khoảng một hoặc hai khu vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ lao động trong ngành du lịch qua đào tạo phấn đấu đến năm 2030 đạt mức 90-95%.
Để được những con số này, bên cạnh các giải pháp quy hoạch vĩ mô, ngành du lịch Huế sẽ nghiên cứu đề xuất các Đề án, chính sách, cơ chế phát triển du lịch trong tình hình mới. Chú trọng triển khai các chính sách về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay để đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển du lịch là yếu tố then chốt. Tất cả các bên liên quan phải xác định rõ du lịch là ngành kinh tế thực thụ, đem lại nhiều việc làm, đóng góp lớn vào GRDP, ngân sách của tỉnh và đem lại nhiều nguồn thu cho các thành phần kinh tế khác, cộng đồng tham gia hoạt động du lịch.
Đặc biệt, Huế cần đổi mới và nâng cao nhận thức của những người hoạt động trên các lĩnh vực du lịch (từ khách sạn, lữ hành, hướng dẫn, làm các dịch vụ vận chuyển, bán hàng, ăn uống, giải trí…) ý thức tự hào về lối ứng xử có văn hóa, thanh lịch, niềm nỡ, thân thiện, văn minh của người dân cố đô, xây dựng thành đặc trưng văn hóa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, Huế sẽ xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đốc thúc các dự án đang triển khai thực hiện và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn, có uy tín, đặc biệt các nhà đầu tư hợp tác với các tập đoàn cung cấp dịch vụ du lịch có thương hiệu quốc tế như Acor, Marriott, Hilton, InterContinental,…
Về nguồn kinh phí, lãnh đạo Thừa Thiên Huế sẽ dựa vào kế hoạch cụ thể của từng từng năm và giai đoạn để đưa ra mức ngân sách phù hợp, bao gồm huy động từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 rơi vào khoảng hơn 15.000 tỉ đồng và giai đoạn 2025-2030 có khoảng hơn 20.000-30.000 tỉ đồng.
Xem thêm: lmth.-0302-man-oav-euh-auc-nohn-ium-et-hnik-hnagn-al-es-hcil-ud/582813/nv.semitnogiaseht.www