Suốt nhiều tháng nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân phải hạn chế ra đường để tránh lây lan dịch bệnh. Các ứng dụng giao hàng online, đi chợ online..., là lựa chọn tối ưu của người dân. Vì vậy, nghề giao hàng trở nên khá bận rộn trong thời điểm này.
Là tài xế công nghệ đã hơn 1 năm nay, chưa bao giờ anh Nguyễn Quang - tài xế công nghệ của Grab lại thấy công việc bận rộn như những ngày này. Trước đây, anh Quang có một công việc chính khác, việc chạy xe công nghệ chỉ là ngoài giờ. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở TPHCM, công việc chính của anh trở nên khó khăn hơn và giờ đây chạy xe công nghệ đã trở thành công việc chính.
Đặc biệt, từ khi TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, thì phần lớn nhân viên văn phòng, người nội trợ đều chọn đặt hàng qua ứng dụng. Có những ngày, người giao hàng như anh Quang đã nhận rất nhiều đơn hàng nhưng không kịp xử lý.
Anh Nguyễn Quang cho biết, để hoạt động trong mùa dịch này, tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, giấy thông hành qua ứng dụng. Trung bình một ngày 10 tiếng đồng hồ thu nhập từ 800.000-900.000 đồng chưa trừ chi phí.
Trò chuyện với Lao Động về những có khó khăn trong mùa dịch, anh Quang chia sẻ: "Có những đơn hàng được đặt từ trong khu vực đang thực hiện cách ly y tế, khi tới giao hàng ở ngoài phía rào chắn thì khách hàng bắt đưa vào trong. Tuy nhiên, vì an toàn cho cá nhân, tài xế chúng tôi buộc phải huỷ vì không thực hiện được. Việc này đã ảnh hưởng tới tỉ lệ cuốc của tài xế bị giảm".
Cũng là một tài xế công nghệ, công việc của anh Nguyễn Quốc Long (sống tại Quận 1, TPHCM), là đi siêu thị mua hàng hộ người dân. Đơn hàng giao nhận tăng từ 2-3 lần so với trước dịch, chủ yếu là thức ăn bán sẵn tại các siêu thị, hàng hóa thì tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, mỹ phẩm...
Nếu chăm chỉ làm việc, thu nhập mỗi ngày của anh Long trên dưới 500.000 đồng. Với số tiền này, anh vẫn có thể chi trả các chi phí sinh hoạt cho gia đình.
"Khó khăn của chúng tôi những ngày này là có một số chốt kiểm soát không chấp nhận giấy thông hành qua ứng dụng, khiến anh em phải quay đầu xe hoặc huỷ cuốc vì không thể tiếp tục đi. Khi đi ra đường thì tôi luôn chấp hành đúng các quy định 5K nên cũng đỡ lo phần nào" - anh Long cho hay.
Hiện nay, hầu hết app công nghệ hiện nay như Zalo, Momo, Grab, Now... đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Do đó, người dân có thể dễ dàng đặt mua hàng hay đi chợ hộ qua các ứng dụng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho rằng, người tiêu dùng đặt hàng có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khung giờ cao điểm nhằm tránh tình trạng quá tải, tắc nghẽn, từ đó ảnh hưởng tâm lý chung của người dân.